Dùng vũ lực tại Hoàng Sa, TQ vi phạm nguyên tắc gì?
Những nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế đã bị Trung Quốc vi phạm với cách hành xử của mình đối với tàu cá Việt Nam tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa?
Việc bắn trực tiếp pháo sáng vào cabin tàu nơi nhiệt độ cao có nguy cơ gây cháy (như thực tế cho thấy) không thể được coi là phù hợp với yêu cầu "bảo đảm không đe dọa sinh mạng".
Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và bắn cháy cabin tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Vụ việc này đặt ra những nghi ngại về cách hành xử và thái độ của Trung Quốc trong các vấn đề về biên giới lãnh thổ cũng như thái độ của quốc gia này trong việc tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế.
Hành vi sử dụng vũ lực "sai trái và vô nhân đạo" của lực lượng hải quân Trung Quốc như lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam[1] "đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế." Hành vi đó đã gặp phải sự phản đối không chỉ của Việt Nam - quốc gia có chủ quyền không thể tranh cãi với Hoàng Sa - mà cả của Hoa Kỳ, quốc gia ở tận bờ bên kia Thái Bình Dương.[2]
Hai câu hỏi đặt ra là: "Những nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế đã bị Trung Quốc vi phạm với cách hành xử của mình?" và "Tại sao Hoa Kỳ, quốc gia không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cũng bất bình với sự việc ngày 20/3/2013 vừa qua?".
Vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế
Sau khi chứng kiến những đau thương và mất mát gây ra bởi các cuộc chiến tranh ở nửa đầu thế kỷ XX, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau quyết tâm xây dựng một trật tự thế giới mới mà trong đó việc sử dụng vũ lực bị đặt ra khỏi vòng pháp luật. Hiến chương Liên hợp quốc được thông qua tại San Fransico, Hoa Kỳ, năm 1945 đã ghi nhận nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế tại Điều 2(4) như sau:
Tất cả các Thành viên [Liên hợp quốc] trong quan hệ quốc tế giữa họ phải tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào, hoặc theo một cách không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc.
Nhìn vào từ ngữ của điều khoản nêu trên, có thể sẽ có người đặt ra câu hỏi là liệu khái niệm "sử dụng vũ lực" có nên được hiểu theo nghĩa là những hành vi "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị" của các quốc gia khác hay không?
Câu trả lời có tính lịch sử và đơn giản đó là cụm từ "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị" chỉ được đưa vào trong Hiến chương Liên hợp quốc theo đề nghị của Australia để bảo vệ các quốc gia nhỏ trong quan hệ quốc tế. Thực tế đàm phán Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc cho thấy các quốc gia không hề có ý định sử dụng cụm từ "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ" để giới hạn hay giải thích khái niệm "sử dụng vũ lực".[3]
Hành vi của tàu hải quân Trung Quốc rõ ràng là sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế do nó liên quan đến một tàu của Nhà nước Trung Quốc và tàu cá mang quốc tịch Việt Nam tại vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc đã biến thành vùng biển "tranh chấp". Việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc là trái với nguyên tắc đã được ghi nhận tại Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc.
Đáng lưu ý là trong lĩnh vực luật biển, nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đã được cụ thể hóa thành nghĩa vụ sử dụng biển một cách hòa bình. Nghĩa vụ này được ghi nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Điều 301 của Công ước Luật Biển quy định rằng:
Sử dụng biển một cách hòa bình
Trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước này, các Quốc gia Thành viên phải tránh sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào hoặc theo những cách khác không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Hiến chương của Liên hợp quốc.
Như vậy, việc Trung Quốc bắn cháy tàu cá của Việt Nam cũng vi phạm nghĩa vụ sử dụng biển vì mục đích hòa bình như đã được quy định tại Điều 301 của Công ước Luật Biển.
Trong vụ việc cụ thể liên quan đến tàu cá QNg 96382 ngày 20/3/2013, hành vi của Hải quân Trung Quốc còn vi phạm các chuẩn mực quốc tế về hoạt động hành pháp trên biển.
Vi phạm các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động hành pháp trên biển
Khi được hỏi về sự việc tàu cá QNg 96382 nói trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, ngang nhiên khẳng định: "Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý". [4]
Việc cho rằng hoạt động của tàu các Việt Nam là "bất hợp pháp" là một sự vu cáo trắng trợn vì khu vực mà tàu cá Việt Nam hoạt động là vùng biển gần đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Việt Nam có chủ quyền cũng như quyền khai thác biển phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, tạm thời gác lại vấn đề này sang một bên, hãy phân tích việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc thuần túy từ các chuẩn mực của luật pháp quốc tế về vấn đề này để xem nó "đúng đắn và hợp lý" đến đâu?
Những chuẩn mực của luật pháp quốc tế điều chỉnh hoạt động hành pháp trên biển, kể cả việc sử dụng vũ lực, đã được khẳng định và phát triển trong các án lệ của các tòa án quốc tế. Kết tinh của những chuẩn mực này đã được thể hiện trong án lệ M/V "SAIGA" (No. 2) (Saint Vincent and Grenadines v. Guinea) - một trong những vụ việc đầu tiên mà Tòa án quốc tế về Luật Biển thụ lý. Tòa đã tuyên bố rõ rằng:
Phải tránh việc sử dụng vũ lực càng xa càng tốt và khi không thể tránh được thì vũ lực không được phép sử dụng vượt quá những gì được coi là hợp lý và cần thiết trong hoàn cảnh. Những cân nhắc có tính nhân đạo phải được áp dụng trong luật biển như chúng vẫn được áp dụng trong các lĩnh vực khác của luật pháp quốc tế.[5]
Trong phán quyết của mình, Tòa án quốc tế về luật biển, trên cơ sở tổng kết các án lệ trước đó, cũng diễn tả thông lệ quốc tế trong việc tiến hành hoạt động hành pháp và sử dụng vũ lực trên biển như sau: phương tiện truy đuổi cần ra một tín hiệu âm thanh hay hình ảnh theo chuẩn đã được quốc tế công nhận trước khi tiến hành biện pháp khác, chẳng hạn như nổ súng bắn trước mũi tàu; chỉ sau khi tất cả những biện pháp này không thành công thì "vũ lực mới được sử dụng như là phương tiện cuối cùng [nhưng] ngay cả khi đó cũng cần phải đưa ra cảnh báo phù hợp với tàu bị truy đuổi và cần thực hiện tất cả các nỗ lực để bảo đảm sinh mạng không bị đe dọa ".[6]
Với những gì mà ngư dân Việt Nam kể lại, khó có thể nói rằng các biện pháp phi bạo lực đã được áp dụng để yêu cầu tàu QNg 96382 của Việt Nam dừng lại. Nói cách khác khó có thể biện minh rằng hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc là biện pháp cuối cùng.
Hơn nữa, việc bắn trực tiếp pháo sáng vào cabin tàu nơi nhiệt độ cao có nguy cơ gây cháy (như thực tế cho thấy) không thể được coi là phù hợp với yêu cầu "bảo đảm không đe dọa sinh mạng".
Hành vi của lực lượng hải quân Trung Quốc rõ ràng là "sự phớt lờ" các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động hành pháp trên biển và là "sự bất chấp" các yêu cầu về nhân đạo trong việc sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế.
Có lẽ vì hiểu được sự sai trái trong hành vi của mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã vòng vo không dám trả lời thẳng câu hỏi liệu có hay không việc tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam.[7]
Sau đó thì giới chức quân sự Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố biện minh cho hành động của hải quân mình. Ngoài việc tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc, giới chức quân sự Trung Quốc đã mô tả lại sự việc ngày 20/3/2013 như sau: tàu tuần tra Trung Quốc đã cố gắng cảnh báo tàu cá bằng còi, la hét và vẫy cờ; chỉ sau khi không thành công, lực lượng hải quân Trung Quốc mới bắn hai quả pháo sáng màu đỏ và cả hai quả pháo sáng này đã tắt trên không trung".[8]
Như tờ Washington Post đã nhận xét, Trung Quốc đã "miêu tả mình như là một hình mẫu của sự kiềm chế". [9] Tờ báo này cũng rất chính xác khi chỉ ra rằng những lời biện minh này chỉ được đưa ra "sau một tuần im lặng"[10] - một sự chậm trễ khó tin từ góc độ thông tin quân đội của một quốc gia có lực lượng vũ trang được hiện đại hóa nhanh chóng và đang ngày càng can dự nhiều hơn vào các hoạt động quân sự quốc tế.
Càng khó tin hơn nữa với tuyên bố rằng hai quả pháo sáng chỉ được bắn lên trời và tắt trên không trung vì nếu như thế thì sao lại có chuyện pháo sáng rơi vào cabin tàu có nóc và gây hỏa hoạn. Không thể không kết luận là giới chức quân sự Trung Quốc đã "bóp méo" sự thực bằng những lời giả dối. [11]
Tuy nhiên, từ sự ngụy biện này, có thể thấy rằng dường như Trung Quốc cũng hiểu về những chuẩn mực trong hoạt động hành pháp và sử dụng vũ lực trên biển đấy chứ?
Nếu vậy, có lẽ họ cần điều tra, xử lý nghiêm" hành vi của tàu hải quân 786 ngày 20/3/2013 như phía Việt Nam đã yêu cầu.
Nói như vậy có phải là tàu hải quân Trung Quốc sẽ được phép sử dụng vũ lực một cách hợp lý khi cần thiết (nếu điều này là không thể tránh khỏi) đối với tàu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa không?
Câu trả lời rõ ràng là KHÔNG. Lý do đơn giản vì: khu vực hoạt động của những tàu cá Việt Nam như tàu QNg 96382 là nơi Việt Nam có chủ quyền và quyền riêng biệt trong việc quản lý và khai thác biển theo các quy định của luật pháp quốc tế; việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực không đem đến cho Trung Quốc một danh nghĩa nào và Trung Quốc không được phép tiến hành các hoạt động hành pháp đối với các tàu cá của Việt Nam, chứ đừng nói đến việc sử dụng vũ lực chống lại họ.
Hành vi đuổi và bắn cháy tàu cá Việt Nam của tàu hải quân Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam cùng các nghĩa vụ liên quan.
Vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa
Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được chứng minh thông qua những bằng chứng lịch sử và dựa trên các cơ sở pháp lý vững chắc như đã được phân tích khoa học trong nhiều công trình của các học giả trong và ngoài nước.[12] Với chủ quyền của mình ở Hoàng Sa, Việt Nam cũng có quyền khai thác tài nguyên ở những vùng biển của các vị trí đảo trong quần đảo Hoàng Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Việc ngư dân Việt Nam từ lâu nay vẫn hoạt động đánh bắt ở vùng biển gần Hoàng Sa vừa là bằng chứng xác đáng về chủ quyền và quyền khai thác biển của Việt Nam ở đây vừa là sự thực thi hợp pháp các quyền đó.
Chính vì thế, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc tàu hải quân Trung Quốc đuổi và bắn cháy cabin tàu QNg 96382 tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định rõ hành vi đó "là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam." [13]
Thực vậy, luật pháp quốc tế định rõ: chủ quyền của quốc gia có tính chất tuyệt đối và riêng biệt, theo đó chỉ quốc gia có chủ quyền mới được tiến hành các biện pháp quản lý có tính quyền lực nhà nước trên lãnh thổ của mình. Việc áp dụng nguyên tắc này cũng mở rộng ra lãnh hải - vùng biển quốc gia có chủ quyền đầy đủ và chỉ có nghĩa vụ tôn trọng quyền đi lại không gây hại của tàu thuyền các quốc gia khác - và vùng đặc quyền kinh tế - nơi quốc gia có quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển.[14] Các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng tính tuyệt đối và riêng biệt của chủ quyền hay quyền chủ quyền. Hệ quả của điều này là một quốc gia không được phép thực hiện những biện pháp hành pháp trên lãnh thổ hay vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của một quốc gia khác nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó. [15]
Tàu hải quân Trung Quốc tiến hành đuổi tàu cá của Việt Nam tại vùng biển của Việt Nam rõ ràng vi phạm chủ quyền và nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam vì không có bằng chứng nào cho thấy hành vi này của tàu hải quân Trung Quốc nhận được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam. Thực tế chứng minh một điều ngược lại: Việt Nam luôn phản đối bất kỳ hành vi thực thi quyền lực nhà nước của Trung Quốc ở đây.[16]
Tuy nhiên, dù Nhà nước Việt Nam vẫn thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa một các hòa bình, ổn định và liên tục ít nhất từ thế kỷ thứ 17, lợi dụng những khó khăn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, Trung Quốc đã dần dần chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ giữa thế thế kỷ XX. Sau lần sử dụng vũ lực vào năm 1974, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa. Cần phải nói rằng, việc sử dụng vũ lực để chiếm đóng lãnh thổ không hề đem lại một danh nghĩa nào về chủ quyền do luật pháp quốc tế cùng với việc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế cũng loại bỏ việc sử dụng vũ lực như là một phương thức hợp pháp để xác lập chủ quyền lãnh thổ nữa. Chủ quyền của Việt Nam tại như vậy Hoàng Sa vẫn được duy trì và Trung Quốc không có bất kỳ quyền gì ở đây cũng như đối với vùng biển liên quan. Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi gặp biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 9/1975 đã nói: "Giữa hai nước có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này sẽ bàn bạc giải quyết."[17] Nếu thế, hành vi của hải quân Trung Quốc ở đây cũng vi phạm nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp .
Vi phạm nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế
Cùng với việc đặt ra ngoài vòng pháp luật việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế cũng đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia trong việc "giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa họ bằng các biện pháp hòa bình". Nghĩa vụ này được ghi nhận rõ tại Điều 2(3) của Hiến chương Liên hợp quốc và được làm rõ hơn bằng Tuyên bố Manila về việc giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các quốc gia năm 1982 (Tuyên bố Manila). Khoản 7 của Tuyên bố Manila chỉ rõ rằng "cả việc tồn tại tranh chấp lẫn sự thất bại của một cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp đều không cho phép bất kỳ bên nào của tranh chấp được sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực." [18]
Đối với lãnh thổ đang tranh chấp, luật pháp quốc tế đặc biệt nhấn mạnh việc cấm sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Điều này được khẳng định trong Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc năm 1970 (Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và hợp tác) [19] - văn kiện được coi là lời giải thích đầy đủ và chính xác các nguyên tắc quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Liên quan đến nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nêu tại Điều 2(4) của Hiến chương Liên hợp quốc bên trên, Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và hợp tác quy định:
Mọi quốc gia có nghĩa vụ tránh sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để vi phạm những biên giới quốc tế hiện có với quốc gia khác hoặc như là một phương tiện để giải quyết tranh chấp quốc tế, kể cả tranh chấp lãnh thổ hay những vấn đề liên quan đến biên giới các quốc gia.
Riêng trong vấn đề Biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có những cam kết ở cấp độ song phương và khu vực về nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Đó là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc[20] và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. [21]
Cùng với nghĩa vụ về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, luật pháp quốc tế cũng đặt ra nghĩa vụ kiềm chế cho các bên tranh chấp khi tranh chấp chưa được giải quyết. Nghĩa vụ này được quy định trong cả Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và hợp tác năm 1970 và đoạn 8 của Tuyên bố Manila năm 1982, theo đó các quốc gia có tranh chấp quốc tế "phải tránh những hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình theo cách gây đe dọa đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo đúng với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc".[22] Tương tự như vậy, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông cũng nêu rõ: "các bên liên cam kết kiềm chế không thực hiện các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định...".[23]
Như vậy, việc lực lượng hải quân Trung Quốc sử dụng vũ lực đã vi phạm nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cũng như vùng biển của quần đảo này đồng thời cũng vi phạm nghĩa vụ kiềm chế trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế về quân sự của mình để duy trì việc kiểm soát bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh theo cách đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực. Nhìn nhận vấn đề từ góc độ này, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi biết được Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Patrick Ventrell, tại họp báo ngày 26/3/2013, đã nói Hoa Kỳ "phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc dùng vũ lực hoặc áp bức của bất kỳ bên nào để đẩy mạnh yêu sách của mình ở Biển Đông". [24] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng có lý khi chỉ rõ hành động của tàu hải quân Trung Quốc "đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông."[25]
Thay lời kết
Với những phân tích ở trên, có thể hiểu rõ lý do tại sao vụ việc tàu QNg 96382 ngày 20/3/2013 không chỉ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và còn gặp sự phản đối của Hoa Kỳ. Sự vi phạm của Trung Quốc đó đặt ra những nghĩa vụ cho Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Trước hết, Trung Quốc phải được chấm dứt ngay hành vi vi phạm và đưa ra những bảo đảm rằng hành vi đó không tái diễn.[26] Trong trường hợp cụ thể của vụ việc tàu QNg 96382 - một vụ việc mà hành vi vi phạm của Trung Quốc gây thiệt hại, Trung Quốc có nghĩa vụ bồi thường[27] như Việt Nam đã yêu cầu.[28]
Những vụ việc như sự kiện ngày 20/3/2013 vừa qua chủ yếu bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang lợi dụng ưu thế từ sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình để nhất quyết từ chối giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đã đến lúc Trung Quốc cần tôn trọng lời nói của một nhà lãnh đạo có nhiều công lao cho sự phát triển của Trung Quốc và cùng Việt Nam giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, hoặc thông qua đàm phán hoặc sử dụng cơ chế tài phán quốc tế.
Thái độ lẩn tránh của Trung Quốc không thể "làm biến mất" tranh chấp như Tòa án quốc tế đã chỉ rõ: "Liệu có tồn tại hay không một tranh chấp quốc tế là một sự xác định có tính khách quan. Việc chỉ chối bỏ sự tồn tại một tranh chấp không chứng tỏ rằng nó không tồn tại".[29] Công luận quốc tế cũng có phán quyết của riêng mình: không một quốc gia nào, trừ Trung Quốc, bác bỏ thực tế Hoàng Sa là lãnh thổ tranh chấp.
Trong khi chưa giải quyết được tranh chấp ở Hoàng Sa, Trung Quốc không được phép có các hoạt động hành pháp chống lại tàu cá của Việt Nam, càng không được phép sử dụng vũ lực. Luật pháp quốc tế quy định rõ hoạt động hành pháp chỉ được tiến hành trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.[30] Đáng lưu ý là chính Trung Quốc cũng thừa nhận rằng lực lượng hành pháp của một quốc gia không được phép thực thi pháp luật tại vùng biển đang tranh chấp. Quan điểm này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra khi tòa án Hàn Quốc xét xử thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết của tòa án Hàn Quốc là "không thể chấp nhận được" vì vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc chưa được phân định và do vậy Hàn Quốc không được áp dụng pháp luật quốc gia mình trong vụ việc.[31]
Trước khi kết thúc bài viết, có lẽ cần nói thêm vài lời về thái độ "quay đầu bỏ đi" của tàu hải quân Trung Quốc khi nhìn thấy tàu cá của Việt Nam bị cháy. Luật pháp quốc tế đặt ra nghĩa vụ về cứu trợ cho các tàu khi nhìn thấy tàu khác gặp nạn bất kể sự liên quan giữa chúng.[32] Trong trường hợp này, tàu hải quân Trung Quốc lại chính là "thủ phạm" gây ra tại nạn nhưng lại tránh ra xa để nhìn rồi bỏ đi. Với thái độ như vậy mà trong nội bộ Trung Quốc còn có ý kiến cho rằng Trung Quốc cần tăng cường việc gánh vác nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn của mình ở Biển Đông theo quy định của các công ước quốc tế cũng như phù hợp với cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc.[33] Khó có thể không hoài nghi về ý đồ đằng sau lời kêu gọi này: Liệu đây có phải là một "chiêu bài" mới của Trung Quốc để đẩy mạnh những yêu sách phi pháp của mình ở Biển Đông dựa sức mạnh vượt trội so với các quốc gia khác khu vực chứ chẳng phải vì Trung Quốc tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình?
Diễn biến vụ tàu QNg 96382bị tấn công
Theo lời kể của những người trong cuộc, [34] rạng sáng ngày 20/3/2013, tàu cá QNg 96382 của ngư dân Quảng Ngãi, Việt Nam, đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống gần đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì gặp tàu hải quân mang số hiệu 786 của Trung Quốc và đã rời khỏi vùng biển. Tàu hải quân của Trung Quốc đuổi theo và sau vài hải lý đã bắn pháo sáng vào cabin tàu cá của ngư dân Việt Nam gây cháy. Khi thấy cabin tàu cá của ngư dân Việt Nam bén lửa, tàu hải quân của Trung Quốc đã tránh ra xa rồi bỏ đi. Rất may là các bình gaz trên trên tàu dù bị cháy sém nhưng không phát nổ nên không có thiệt hại về tính mạng.
.Theo tuanvietnam
dung vu luc voi ngu dan tren bienla trai voi luat bien quoc te, xam pham chu quyen nuoc khac lai cang sai , nhung vi pham naycua bac kinh can duaratao an quoc te , ko de cho bac kinh lam bay , coi thuong luat phap , coi thuong lien hop quoc duoc