Đến năm 2030, điện gió ngoài khơi đạt từ 1,45% đến 2% tổng công suất điện
Theo Dự thảo Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII), công suất điện gió ngoài khơi đạt từ 2-3 GW và chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất điện đến năm 2030.
Việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và các doanh nghiệp. Đây là một trong các giải pháp hữu hiệu đối với Việt Nam với tiềm năng và lợi thế có thể đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện với giá điện ngày càng giảm, không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra nhiều công việc mới, giảm phát thải khí cacbon theo cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, điểm nhấn quan trọng về phát triển điện gió ngoài khơi là lần đầu tiên ở Việt Nam, việc xác định khái niệm dự án điện gió ngoài khơi (là khu vực có độ sâu đáy biển lớn hơn 20 m), công suất nguồn điện từ điện gió ngoài khơi tách biệt với điện gió trên bờ và gần bờ đã được nêu trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) chiếm gần 30% trong tổng nguồn điện đến năm 2030, quy mô công suất nguồn điện gió tăng gấp 3 lần và nguồn điện mặt trời gần gấp 2 lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chủ yếu là điện gió trên bờ và gần bờ tăng 9 GW, điện mặt trời thêm 7 GW.
Đối với điện gió ngoài khơi, kịch bản phụ tải cơ sở thì đến năm 2030, công suất đặt là 2 GW trong tổng số 137,662 GW,chiếm tỉ lệ 1,45%, còn theo kịch bản phụ tải cao thì đến năm 2030, công suất đặt là 3 GW trong tổng số 147,552 GW, chiếm tỷ lệ 2%.
Điện gió ngoài khơi của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn. Ảnh: VGP
Tuy nhiên theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam có tiềm năng lý thuyết-kỹ thuật 475 GW điện gió ngoài khơi. Theo Cơ quan năng lượng Đan Mạch thì Việt Nam có tiềm năng hoàn toàn khả thi là 162 GW, trong đó 132 GW điện gió ngoài khơi ở khu vực độ sâu đáy biển dưới 50 m và 30 GW dùng công nghệ móng nổi.
Từ thực tế này, WB và Cơ quan năng lượng Đan Mạch khuyến nghị Việt Nam nên tăng công suất đặt điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 10 GW để phù hợp với điều kiện cụ thể, đồng thời quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Theo Toàn Thắng (Chinhphu.vn)