TỔNG ÐIỀU TRA KINH TẾ 2021:
Tạo cơ sở hoạch định phát triển kinh tế bền vững
Cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu phân bổ của các cơ sở và lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế; tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề...
Từ nay đến ngày 30.5.2021, gần 7.000 DN trên địa bàn tỉnh sẽ là đối tượng của Tổng điều tra kinh tế 2021 - giai đoạn 1 (dưới đây viết tắt là Tổng điều tra).
Tổng điều tra sẽ giúp biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Đánh giá toàn diện “sức khỏe” doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra của tỉnh cho hay, cuộc Tổng điều tra lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với quy mô lớn, nội dung đa dạng, phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Ngành Thống kê sẽ thực hiện điều tra tất cả DN đang hoạt động và tạm ngưng hoạt động; rà soát thông tin đến ngày 31.12.2020, có gần 7.000 DN nằm trong diện phải điều tra. Ngay đầu tháng 3, ngành Thống kê tỉnh đã lựa chọn một số DN chủ lực của các ngành sản xuất, kinh doanh để tiến hành điều tra và giám sát về chất lượng thông tin.
Tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định, chỉ sau vài phút đăng nhập tài khoản và điền thông tin theo biểu mẫu điện tử web-form, ông Hà Thái Sinh, Kế toán tổng hợp của DN đã hoàn thành phiếu thông tin với rất nhiều thông tin liên quan đến 5 nội dung chính: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra; lao động và thu nhập của người lao động; kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế. “DN đã được ngành Thống kê thông báo từ trước đối với việc Tổng điều tra nên ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã chuẩn bị toàn bộ số liệu liên quan thông tin kê khai”, ông Sinh nói.
Việc kê khai phiếu điều tra DN của Tổng điều tra kinh tế 2021 là dịp để các DN hệ thống lại rất nhiều thông tin trong 5 năm qua; đồng thời là cơ hội để các DN chia sẻ những khó khăn và kiến nghị chính sách hỗ trợ. Với 17 chi nhánh có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) rất quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động quản trị và sản xuất, kinh doanh; đây cũng chính là một trong những nội dung mới được cuộc Tổng điều tra đặc biệt chú trọng. Ông Huỳnh Ngọc Oanh, Phó Tổng Giám đốc Bidiphar, cho hay: Từ năm 2014, Bidiphar đã triển khai phần mềm SAP-ERP để quản lý tổng thể nguồn nhân lực. Đến nay, chúng tôi chính thức bước vào “Chiến dịch 300 ngày” tập trung toàn lực quyết tâm chuyển đổi số thành công. DN chúng tôi xác định đây là con đường phát triển tất yếu, càng đi sớm thì càng có lợi thế.
Kế toán DN điền thông tin qua web-form.
Ứng dụng triệt để công nghệ
Một trong những điểm mới của Tổng điều tra lần này là phát huy tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn điều tra nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực, phù hợp trong bối cảnh “bình thường mới” của dịch Covid-19 khi kê khai trên nền tảng web và thông tin DN sẽ được bảo mật.
Với hơn 700 DN, TX Hoài Nhơn đã hoàn thành công tác thống kê, thông báo, hướng dẫn, cung cấp tài khoản, mật khẩu cho các DN tiến hành kê khai thông tin Tổng điều tra. ông Huỳnh Xuân Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TX Hoài Nhơn, chia sẻ: “Chúng tôi phân công các giám sát viên phụ trách giám sát, đôn đốc, hỗ trợ quá trình kê khai để tạo thuận lợi cho DN. Nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, nên sẽ có trường hợp chưa đảm bảo điều kiện để tham gia cung cấp thông tin trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của điều tra thì chúng tôi hỗ trợ trực tiếp cho DN”.
Để thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ DN là thách thức không nhỏ. Vì vậy đòi hỏi điều tra viên ngành Thống kê phải nắm rất rõ quy trình thu thập thông tin, luồng thông tin và các chỉ tiêu cần thu thập để hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo cho DN cung cấp thông tin tính đầy đủ, chính xác. Mặt khác, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung, nghiêm túc thực hiện các nội dung với quyết tâm cao nhất để hoàn thành đạt đúng tiến độ, chất lượng Tổng điều tra. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các DN trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu điều tra.
Bà Nguyễn Thị Mỹ khẳng định, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ cung cấp thông tin đúng, đầy đủ và sát thực tế nhất để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh dành cho khối DN sẽ gặp phần nào khó khăn khi số lượng DN “ảo”, không có địa chỉ rõ ràng… và DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm khoảng 80%.
MAI HOÀNG