CHỐNG KHAI THÁC IUU:
Tháo gỡ vướng mắc, tăng cường quản lý
Mặc dù tỉnh ta tích cực triển khai nhiều giải pháp thực thi Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) và đạt nhiều kết quả tốt. Song thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ để công tác chống khai thác IUU đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU và thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa do UBND tỉnh tổ chức vào sáng qua (10.3), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển sớm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc để nâng cao hiệu quả tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Cùng với việc kiểm tra tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn, lực lượng BĐBP tỉnh tuyên truyền ngư dân thực hiện các quy định IUU.
Nhiều kết quả tốt nhưng cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc
Nên tính đến “bài toán” hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề
“Ðối với 147 tàu cá hoạt động tại vùng khơi chưa được cấp giấy phép KTTS vì đã hết hạn ngạch Bộ NN&PTNT phân bổ, Sở NN&PTNT sớm làm việc với Tổng cục Thủy sản để đề nghị cấp thêm hạn ngạch vùng khơi cho Bình Ðịnh. Với số tàu hoạt động tại vùng lộng, vùng ven bờ phải rà soát, thống kê lại, nếu tàu nào đủ điều kiện hoạt động thì sớm cấp phép cho ngư dân, tàu nào không đủ điều kiện hoạt động nên tính đến “bài toán” hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. BÐBP tăng cường xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; CA tỉnh tăng cường điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới đưa ngư dân đi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài; ngăn chặn, xử lý các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
Theo Sở NN&PTNT, đến nay dù phần lớn các chủ tàu cá đã tuân thủ pháp luật tốt, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát song UBND tỉnh và ngành chức năng của tỉnh vẫn phải xử phạt 22/53 trường hợp tàu cá khai thác thủy sản (KTTS) vi phạm vùng biển nước ngoài giai đoạn năm 2018 - 2020, với tổng số tiền hơn 10,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng trong năm 2020, có 2 tàu cá bị nước ngoài bắt và thả về trên biển cũng bị tỉnh ta xử phạt hành chính, tịch thu tàu bán sung công quỹ Nhà nước.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Nhìn chung tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể so với trước, nhưng vẫn chưa hết. Đầu năm nay, có 1 tàu cá/7 thuyền viên vi phạm vùng biển Malaysia và bị nước bạn bắt giữ. Cái khó cho tỉnh Bình Định là phần lớn các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm không về địa phương. Ngoài ra, tình trạng tàu cá bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam trên bản đồ điện tử thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn còn nhiều, năm 2020 có tới 317 lượt (208 tàu), 2 tháng đầu năm nay có 7 lượt (5 tàu) bị cảnh báo”.
TX Hoài Nhơn có hơn 2.100 tàu cá đánh bắt xa bờ. Từ năm 2020 đến nay, địa phương này không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng vẫn có tàu cá bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt. Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công nhận định: “Đến nay toàn bộ ngư dân xuống tàu ra khơi đều đã nắm rõ các quy định IUU. Chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài; đối với các trường hợp bị cảnh báo, hiện chúng ta mới chỉ đưa vào nhóm tàu có nguy cơ vi phạm IUU cao, nhưng tôi nghĩ cũng cần phải xử phạt các trường hợp này mới đảm bảo tính răn đe!”.
Từ năm 2020, tỉnh ta triển khai các tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng Chi cục Thủy sản, BĐBP, CA tỉnh, Ban quản lý cảng cá tỉnh để kiểm soát tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản mang lại hiệu quả tích cực.
Tăng cường quản lý, giám sát
Sau nhiều lần làm việc trực tiếp tại tỉnh ta, theo đánh giá chung của Bộ NN&PTNT Bình Định là địa phương nghiêm túc và có nhiều sáng tạo trong chống khai thác IUU. Dù vậy thực tế trong công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, như: Chưa giám sát được sản lượng của tàu giã cào cập cảng cá Quy Nhơn; cảng cá Tam Quan chưa đủ điều kiện để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; cả tỉnh còn 1.585 tàu cá không có giấy phép KTTS (vùng ven bờ 1.103 tàu, vùng lộng 335 tàu, vùng khơi 147 tàu)... Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch, nhiều ngư dân là chủ sở hữu con tàu, nhưng họ lại cho người khác thuê sử dụng, khai thác; đến khi tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ chủ tàu mới hay, việc này gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý rất nhiều. Vì điều này, ông Lịch đề nghị nên kiểm soát chi tiết hơn nữa việc cho thuê, mua bán tàu cá, cấp giấy phép KTTS.
Thượng tá Ngô Cự Vinh, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Ngư dân khó khăn trong việc tìm lao động đi biển và quy định các chức danh tàu cá, nên có trường hợp tại cùng một thời điểm mà 1 ngư dân lại có tên trong danh sách thuyền viên của 2 tàu cá xuất bến cùng lúc, vì vậy ta cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn trước khi cho tàu cá xuất bến. CA tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm”.
Để đảm bảo việc thực hiện các khuyến nghị IUU và chính sách theo Quyết định 48 đạt hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các sở, ngành liên quan của tỉnh cần rà soát lại số lượng tàu cá thiếu giấy tờ, không có giấy tờ để hướng dẫn ngư dân làm thủ tục đầy đủ để hoạt động. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động KTTS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khắc phục tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối hành trình, kịp thời giải quyết những vướng mắc cho ngư dân trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Nếu địa phương nào còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì người đứng đầu địa phương phải kiểm điểm nghiêm túc, địa phương đó sẽ bị hạ xếp loại thi đua”, Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN