Hạnh phúc khi góp phần mang lại bình yên xóm làng
Với 2 hòa giải viên vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, gia đình, giai đoạn 2018 - 2020, niềm vui của họ chính là sự thuận hòa, bình yên trở lại trong cuộc sống cộng đồng.
Anh Đặng Duy Phương nhận bằng khen tại Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2019. Ảnh: ĐẶNG DUY PHƯƠNG
Phó trưởng thôn 9X “có duyên” hòa giải
Đó là anh Đặng Duy Phương (28 tuổi, thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), Phó trưởng thôn, Bí thư Chi đoàn và là thành viên tổ hòa giải thôn Vinh Quang 1. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng thôn, mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng anh Phương rất có ý thức tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về pháp luật và tâm huyết trong việc tham gia xây dựng mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp, nên được chính quyền xã, quân dân chính thôn tín nhiệm cho tham gia công tác hòa giải từ sớm (khoảng năm 2015). Đây cũng là điều kiện thuận lợi để anh Phương tiếp cận và phát huy khả năng. Trong 3 năm gần nhất (2018 - 2020), thôn đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 12 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, trong đó, hòa giải thành 11 vụ, 1 vụ đang thụ lý giải quyết; bản thân anh Phương đã hòa giải thành 7/7 vụ.
Một trong những điểm mạnh trong công tác hòa giải của anh Phương là gắn với các đối tượng trẻ và quanh những mâu thuẫn về hôn nhân, gia đình. Một vụ thành công tiêu biểu cuối năm 2019 là đã xóa mâu thuẫn cho hai gia đình để một đám cưới diễn ra. Đó là chuyện tình yêu của anh H. và chị T. bị mẹ anh H. phản đối vì có mâu thuẫn gay gắt với nhà chị T. từ trước nên quyết liệt cấm cản, không cho tiến tới hôn nhân. Nhưng nhờ sự kiên trì thuyết phục của anh Phương, cuối cùng đám cưới đã được diễn ra.
Kể lại việc hòa giải thành công “ca khó” này, anh Phương chia sẻ: “Bên cạnh viện dẫn các quy định để mẹ anh H. thấy việc bà đang làm chính là hành vi “cản trở kết hôn”, bị pháp luật cấm tôi đã đặt mình vào vị trí người con, người mẹ để lắng nghe, chia sẻ mà tìm cách tháo gỡ”.
Anh Phương cho biết thêm, ý thức mình còn trẻ, thiếu vốn sống, kinh nghiệm nên anh luôn chủ động học hỏi từ những người lớn tuổi, nhờ họ góp ý tham gia đối với những vụ việc mình được giao phụ trách để chọn ra cách hòa giải thấu tình đạt lý nhất. Bởi tuy tham gia công tác chưa lâu nhưng anh thấy rõ một điều là, trong quá trình hòa giải, song song với việc đưa ra các quy định pháp luật hiện hành để các bên mâu thuẫn hiểu cho đúng, thì tiếng nói xuất phát từ điều nhân nghĩa, từ giá trị của tình thân, tình làng nghĩa xóm mới là cách thuyết phục bền vững.
“Len lỏi” trong xóm trong làng, gần gũi, gắn bó người dân để chủ động trong công tác hòa giải là điều ông Nguyễn Văn Quang tâm đắc thực hiện.
- Trong ảnh: Ông Quang (phải) trao đổi về những việc chung ở thôn tại nhà vợ chồng ông Võ Minh Cảnh. Ảnh: SAO LY
Trưởng ban hòa giải thôn kỳ cựu
Kinh qua nhiều lĩnh vực trước khi làm về truyền thông y tế như hiện nay, ông Nguyễn Văn Quang (54 tuổi, thôn An Lạc 1, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) tự thấy mình may mắn vì được học hỏi, tích lũy kiến thức, hiểu biết đa dạng, nhất là để phục vụ công tác hòa giải. Tham gia công tác này từ thời trẻ và là trưởng tổ hòa giải thôn (từ năm 2012), điều ông Quang nhận thấy rõ là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng cao, mâu thuẫn giảm dần, gia đình, thôn xóm thuận hòa, bình yên.
Theo cán bộ tư pháp xã Ngô Đình Phùng, năm 2020, thôn An Lạc 1 nhiều năm qua không có mâu thuẫn, không xảy ra vụ việc nổi cộm nào. Ông Võ Minh Cảnh, Chi hội Trưởng Chi hội CCB, nguyên Trưởng thôn An Lạc 1 cho rằng, kết quả ấy có được là nhờ thời gian dài địa phương chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là phát hiện, hòa giải. “Với hòa giải, cách làm của thôn là len lỏi trong xóm trong làng, gần gũi, gắn bó cùng người dân để chủ động, kịp thời, thực hiện cho được mục tiêu: Phát hiện, ngăn chặn, biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành không. Anh Quang là người thực hiện rất tốt những điều này”, ông Cảnh cho biết.
Theo ông Cảnh, bên cạnh nắm kiến thức, vững pháp luật và tài dân vận khéo, điểm căn bản trong hòa giải ở ông Quang là nỗ lực hết mình, nhẫn nại nhưng không bị sa đà, cảm tính, giữ lập trường công tâm, khách quan vì cái đúng, lẽ phải và lợi ích chung, từ đó tạo được tin yêu nơi bà con, thuyết phục những người có nhận thức, hành vi chưa đúng.“Trong tất cả vụ việc, tôi nghĩ người hòa giải viên đến không phải với tư cách là người đại diện pháp luật mà trước hết xuất phát từ trách nhiệm cộng đồng, xem chuyện nhà họ như của mình để từ đó thâm nhập và tìm cách hóa giải. Đồng thời, giúp họ thấy được quyền lợi cá nhân không thể đi ngược, tách rời khỏi lợi ích của cộng đồng để họ có hành xử đúng”, ông Quang bày tỏ.
Một thế mạnh khác ở ông Quang là tài sáng tác, dàn dựng và biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền, điều này góp phần cho việc đưa pháp luật đi vào đời sống địa phương được sinh động, hiệu quả thông qua hình thức sân khấu hóa. Tại các hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp huyện, tỉnh hay hoạt động tuyên truyền về các chủ đề pháp luật, ông Quang thường là trưởng đội văn nghệ và đạt nhiều giải cá nhân về hùng biện, biên soạn, biểu diễn...
SAO LY