Trường ÐH Quy Nhơn & cú huých cho sự chuyển mình
PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: H. HÀ
Trường ÐH Quy Nhơn sẽ tham gia Chương trình hợp tác phát triển đại học của Chính phủ Bỉ giai đoạn 2022 - 2032. Ðây là cơ hội để Trường nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn PGS. TS Ðỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn về vấn đề này.
● Thưa ông, hẳn không phải ngẫu nhiên mà Trường ĐH Quy Nhơn là đại diện duy nhất của châu Á được chọn tham gia Chương trình hợp tác phát triển đại học (gọi tắt là Chương trình IUC) trong 10 năm tới?
- Đúng vậy! Chương trình IUC được Chính phủ Bỉ tài trợ thông qua sự điều phối của Ban phát triển đại học VLIR-UOS, nhằm hỗ trợ một trường đại học ở các nước đang phát triển, giúp trường đó trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực, tiến tới có đóng góp cho sự phát triển chung trên toàn cầu.
Chương trình IUC mà phía Bỉ hỗ trợ Trường ĐH Quy Nhơn có chủ đề rất rộng, trải ra trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh của đời sống - Nâng cao năng lực Trường ĐH Quy Nhơn phục vụ nghiên cứu cải thiện sinh kế và điều kiện sống cộng đồng dân cư vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững. Mục tiêu kép của chương trình là giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng và đào tạo của Trường ĐH Quy Nhơn. Thông qua chương trình hợp tác này, với sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ, Trường sẽ cung cấp cho địa phương các sản phẩm KH&CN tiên tiến, đội ngũ nhân lực có trình độ cao để giải quyết các vấn đề KH&CN, KT-XH của khu vực.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tham gia nghiên cứu mô hình giám sát, cảnh báo bão lũ sớm ứng dụng công nghệ Lora (Long Range Radio). Ảnh: H. HÀ
● Ông có thể nói cụ thể hơn sức tác động trực tiếp của Chương trình đến Trường và tỉnh Bình Định cũng như khu vực lân cận?
- Chương trình được thiết kế với 5 dự án nghiên cứu và 2 dự án phát triển năng lực quản lý và đào tạo. Cụ thể các dự án nghiên cứu được triển khai tại các tỉnh ở Nam Trung bộ - Tây Nguyên hướng đến việc xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm nhằm nâng cao khả năng thích ứng của chính quyền địa phương và cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu suất của hệ thống sấy khô sử dụng năng lượng mặt trời và sản xuất khí sinh học bằng cách sử dụng các vật liệu nano mới; nâng cao tính an toàn và chất lượng của bơ và sầu riêng bằng các công nghệ trước và sau thu hoạch an toàn, hiện đại; thiết lập mô hình đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro cho chuỗi cung ứng thanh long và táo. Ở đây cũng xin nói thêm, khi ta nghiên cứu về bơ, sầu riêng, thanh long, táo không có nghĩa đối tượng tác động chỉ có bấy nhiêu. Đó là những đối tượng trực tiếp, từ kết quả nghiên cứu ta hoàn toàn có thể hướng tới những đối tượng tương tự khác như dưa hấu, xoài, các loại rau củ…
Chương trình cũng hướng tới xây dựng các dịch vụ điện tử, xây dựng hệ thống e-learning và thư viện hiện đại phục vụ sinh viên của Trường; xây dựng mô hình quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế; phối hợp với các công ty xử lý rác thải thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu rác thải, tăng cường tái sử dụng và tái chế trong các tổ chức và cộng đồng cư dân.
Thực hiện thành công 7 dự án này không những góp phần cải thiện sinh kế, điều kiện sống của người dân ở Nam Trung bộ - Tây Nguyên mà còn góp phần nâng cao năng lực đào tạo, năng lực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Quy Nhơn. Thông qua chương trình này, Trường sẽ cung cấp cho khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên nói chung và Bình Định nói riêng nguồn nhân lực có trình độ cao, các sản phẩm chuyển giao công nghệ phục vụ địa phương hướng tới một nền kinh tế dựa vào tri thức.
● Thưa ông, như vậy Trường sẽ cụ thể hóa Chương trình như thế nào?
Đây là một chương trình hợp tác dài hạn nên Ban phát triển đại học VLIR-UOS dành hẳn một năm (từ tháng 3.2021 đến tháng 3.2022) để Trường ĐH Quy Nhơn chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ cấu quản lý và bắt đầu triển khai từ năm 2022. Thời gian này được gọi Pha 0 của chương trình, trong đó chúng tôi sẽ xây dựng Văn phòng điều phối chương trình IUC tại trường, xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác chiến lược trong tỉnh, tại các tỉnh Nam Trung bộ -
Tây Nguyên và các trường đại học, cao đẳng của vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan) của Bỉ.
● Xin cảm ơn ông!
HỒNG HÀ (Thực hiện)