Ngựa ô
* Truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO
Thuở trước nhà tôi ở trên một khu đồi cao, muốn đến phải qua những triền dốc đầy đá sỏi cùng những bụi chà rang, sim mua, dủ dẻ. Xóm có tên là xóm Đồi hay xóm Đồi Ngựa, bởi mọi nhà trên ấy đều nuôi ngựa để thồ hàng, làm phương tiện đi lại. Từ phía đoạn sông Lấp mà mọi người gọi đầm Ngựa nhìn lên có những dãy đồi cỏ xanh mởn, thấp thoáng những mái nhà, những tán cây mọc đơn lẻ chơ vơ bung tán đón những tia nắng vào ban mai và chìm khuất vào màn sương trôi mờ khi chiều đến.
Tôi nhớ lúc ấy, bà kể ông ngoại của mẹ tôi thời làm chánh tổng từng đi dạm thêm người vợ thứ phía mạn trên cách đồi Ngựa nửa ngày đường. Hôm ấy, gió heo may đổ về nghiêng nghiêng từng đám cỏ gà, xao xác từng bụi sim mua mọc dài theo triền dốc. Ông ngồi trên con ngựa ô đen tuyền cao lớn, tay thả nhẹ dây cương cho ngựa đi nước kiệu gõ móng lóc cóc chen trong tiếng lục lạc leng keng để mọi người khắp các ngõ xóm ra xem đám rước quan chánh tổng. Sau này ông thất thế, bán cả ruộng vườn, cả bầy ngựa nổi tiếng một vùng từ con Xích thố lông đỏ, Hoàng phiêu mã lông vàng, Bạch long lông trắng và cả con Ô truy lông đen mà ông dựa vào điển tích để đặt tên đã ra đi sang quãng đồi khác với chủ khác. Riêng con ngựa ô ông giữ lại để gầy bầy đàn và trước khi mất, ông dặn con cháu hãy giữ lấy hậu duệ là ngựa của tướng quân Cao Cát, người từng được sắc phong Vua ban “Thái giám bạch mã thượng đẳng thần”, từng có công dẹp giặc mở rộng bờ cõi đất này. Lúc ấy, mọi người mới vỡ lẽ vì sao ông yêu quý phải chọn từng cọng cỏ non, từng chậu nước sạch, chọn đoạn suối trong mà thả ngựa vẫy vùng và chỉ mình ông, không ai khác cẩn thận chải từng chiếc lông bờm đến đuôi trước khi đưa về chuồng phía đồi cao ráo nhất.
Hậu duệ ngựa ô của tướng quân Cao Cát đã phân nhánh như trong bản gia phả dòng họ nhà tôi nhưng luôn để lại vóc dáng dù thay đổi mấy cũng không phai được, từ chuỗi bờm dày, móng nhọn bám đất, lúc ra roi nước kiệu nó luôn ngẩng cao đầu và khi chạy quãng đường dài lúc nghỉ nó đứng im lìm lườn hông phập phồng nhẹ nhàng cùng mồ hôi thoáng rịn ở mỏm ức. Cha tôi từng kể, lúc kháng chiến chín năm, con Lưu kim quai lông vàng của cô Cam từng thồ gạo muối, hàng hóa phục vụ chiến trường. Người phụ nữ một mình một ngựa khi đi lẻ, khi hòa cùng đoàn dân công lên tận Tây Nguyên, nó đã đại diện cho dân đồi Ngựa, chịu đựng gian khổ ngược xuôi đi về với sức chở gần bằng tiểu đội. Sau này, cô Cam được mời ra Việt Bắc để báo công chiến sĩ thi đua toàn quốc, cô đã đưa nó theo cùng trên quãng đường xa dằng dặc đến ba tháng sau, khi trở về không còn cả làng ra đón như thời ông cố tôi, mà gần cả huyện đứng chật hai bên đường, trên những triền dốc đầy hoa sim tím để chiêm ngưỡng. Cha bảo hôm ấy, trời quang đãng thì có đám mây vàng kéo về tụ lại trên đỉnh đồi Ngựa lúc con Lưu kim quai xuất hiện đầu dốc. Còn tôi thì nghĩ, nếu linh hồn ông tôi trở về hôm ấy, chắc chắn ông sẽ mỉm cười hài lòng và tự hào hậu duệ ngựa ô tướng quân Cao Cát.
Nhà tôi cũng như các nhà xung quanh đều nuôi ngựa, nó giống như dưới đồng xa kia nhà nào cũng có con trâu làm đầu cơ nghiệp. Cha tôi có đến bốn con và vẫn đặt tên theo điển tích, đồi cỏ rộng mênh mông ngựa chạy xoạc đùi chẳng hết, ông giao chú Sáu quản lý cả bầy và bảo tôi chăm sóc con ô đen tuyền nhỏ nhất và quý nhất. Bà bảo, đến mấy đời mới sanh được con ô như ông từng có thuở trước, đốm trắng giữa đôi mắt vuốt dài xuống tận mũi, hai tai vểnh cao đón gió, mình thon ngực đầy. Mỗi sáng cha đưa hàng lên chợ miền cao đến chiều mờ sương, tôi lên yên giật cương chạy về hẻm núi, nơi ấy có nhiều sim và ổi rừng mặc sức tìm hái và thả rông con ô tìm cỏ đến khi nghe tiếng hí dài, vó ngựa gõ nhịp dần đến đón tôi vì nghe được hơi ngựa nhà đang tới. Tôi và cha gặp nhau, cười vang ra roi nước kiệu thì con ô kiêu hãnh tung bờm nhìn về phía trước, vượt cả những người trong xóm, nó tung vó… soãi chân lao vùn vụt đến đầu dốc thì rướn người từng đoạn, từng đoạn rồi đứng im lìm trên đỉnh chờ cha tôi phía sau đang vượt từng bậc đá khúc khuỷu.
Tôi đi học ở trường xa hút cánh đồng mà trên đồi Ngựa nhìn xuống chỉ thấy những ô bàn cờ ngang dọc. Ngày đầu tiên vào trường mới, ba đứa trong xóm cùng tôi quất thẳng ngựa vào sân khiến mọi người kinh ngạc, bọn học trò thì ồ lên bu đến vì lạ theo kiểu sơn cước này. Được vài ngày, thầy Hiệu trưởng yêu cầu phải gửi bên ngoài vì không thể chịu đựng nổi mùi nước khai nồng tích tụ bay thoảng qua cửa phòng. Ngựa ô được gửi tận nhà quen cách quãng xa. Thằng Hảo khều, con nhà trưởng ấp cùng nhóm học trò ở ruộng gây sự vì mỗi khi tan trường, bọn nó không chịu nổi cảnh lũ tôi lên ngựa giật cương, xoay người, thúc gót phi nước đại cuốn bụi tung mù mịt trong tiếng lục lạc leng keng khiến mọi người sợ hãi nép sát hàng rào tre. Nhất là ngựa ô, tiếng nó hí dài, bờm dựng ngược, đuôi thẳng căng và vun vút lao về phía trước đầy kiêu hãnh vì nó đang cần sự thoáng đãng và bó cỏ mật chú Sáu dành sẵn dưới chân đồi.
Sáng ấy nhóm Hải khều từ trảng dứa dại ven đầm súng bất ngờ bủa vây khi mình tôi đơn độc vì ba đứa kia đang rong ngựa gửi nhà khác. Hải khều dạng háng, tay chống nạnh, mắt lườm lườm như cha nó đi kiểm tra xem nhà nào chưa treo cờ mỗi sáng và phía sau luôn có đám lục tặc phá làng, nó cười cười: “Mày muốn khỏi rách xơ mướp, tả tơi như thằng bù nhìn bện rơm gặp gió thì làm ngựa cho bọn tao nhảy đến cổng trường”. Trò nhảy ngựa thì chẳng ai lạ, cứ cúi đầu khom lưng cho kẻ khác phóng ngựa, chưa hết nó còn bảo: “Từ giờ phút này, ông cấm mày thúc cương dạo làng, muốn dạo thì về dạo mả… cố mày đấy!”. Không nhịn được tôi ném thẳng cặp sách vào mặt nó, tung người vào bọn đứng sau. Cuộc hỗn chiến nan địch quần hồ chỉ một thoáng qua là tôi rũ rượi, mắt sưng húp cố nghiến răng không bật tiếng khóc. Đột nhiên, có tiếng hí dài văng vẳng cùng vệt đen quen thuộc của ngựa ô phía lũy tre lao đến, nó thở phì phì choãi hông hất từng đứa đang cuống cuồng bỏ chạy vào lùm dứa dại đầy gai. Và sau tôi, ba đứa bạn đang ngồi trên lưng ngựa ra roi phi đến. Tôi vội lắc đầu khi bọn chúng chuẩn bị giật cương cho ngựa tung vó và ôm choàng ngựa ô khóc tức tưởi lúc nhìn thấy dây cương bị nó cắn nát để lao đi cứu người chủ là tôi.
Mùa xuân năm sau, vạn thọ nở đầy triền dốc thì ngựa ô đã lớn, vạch trắng ở mắt và bốn gót chân lông mượt như nhung. Tiếng hí vang lanh lảnh cùng hơi thở phun sương đã dài vào mỗi buổi sáng, cha vạch răng xem kỹ rồi tra móng sắt, hạ chân yên cho ngang tầm tôi, bảo: “Nó trưởng thành rồi, tháng tới dịp lấy mai tết, cho con và nó theo cùng”. chú Sáu đứng bên nói chen vào: “Anh Ba, tôi định để thằng Tâm làm nài, tập phi nước kiệu và nước rút, hè sang năm mình lên Buôn Ma Thuột dự cuộc đua, chắc chắn ẵm giải”, cha tôi cười, gật đầu rồi dõi mắt nhìn về phía xa, nơi ấy là những dãy đồi chập chùng, nơi có vị tướng công Cao Cát từng dẹp yên phường giặc cỏ đang tan sương sớm, trải dài ánh nắng mặt trời vàng se từng mảng. Tôi cười vang sung sướng, phốc lên lưng ngựa ô rạp mình lao lên đồi cỏ lúc nó vểnh tai ngẩng đầu hí vang đến chỗ cây mọc lẻ phía triền đồi tỏa đầy bóng mát. Tôi nhào ra đồi cỏ mịn, úp mặt vào đất, giang chân đập tay khi ngựa ô lăn toài chỏng vó lên trời chà nát những mảng lông cũ chuẩn bị cho đợt lông mới đen tuyền. Tôi ôm đầu nó vuốt ve để nghĩ chuyến đi dài ngày theo đoàn người lên tận núi cao, nơi ấy có những trảng mai rừng bung hoa vàng rợp, vàng như tấm thảm lớn để mang về cho cả đồi Ngựa rợp mai vàng và về phố thị để vào chợ xuân. Nhưng thích nhất là đi Ban Mê Thuột dự cuộc đua, chú Sáu bảo nơi ấy đẹp lắm, rộng lắm, nhiều ngựa chiến lắm, sẽ có bộ đồ dành cho nài ngựa có một không hai của huyện này và cứ tả xung hữu đột ào ào để lấy giải về cho mọi người lác mắt chơi, nhất là bọn học trò trường liên xã, bọn nó sẽ thèm đến chết.
Nhưng chiến tranh dần lan tỏa đến quê nhà, máy bay rì rì qua đồi Ngựa cùng tiếng súng đì đùng phía chợ Huyện. Mọi người nơm nớp sợ khi dân buôn ở phố lên đổi hàng thì thầm to nhỏ. Thằng Hải khều, con trưởng ấp đã nghênh nghênh mặt như cha nó và cha tôi cứ ngồi trầm ngâm hàng giờ bên tàu ngựa rồi cùng chú Sáu đi thồ hàng qua đêm không về. Lúc máy bay bắn rốc két phía bên kia núi thì gia đình dời sang sông Lấp, cả bầy ngựa nhất là con ô đêm đêm gõ móng thở phì phì không chịu nổi căn chuồng ẩm thấp, chẳng có những cơn gió rừng tuôn đến tung hoành ngang dọc và cả những bó cỏ non thấm đẫm sương đêm. Hôm tôi cùng cha lên đồi để thu dọn những gì còn lại của đợt dội bom ngay đồi Ngựa, thì mẹ tất tả vượt dốc đá chạy đến: “Chú Sáu đưa ngựa ra sông tắm bị chết đuối rồi!”. Tôi và cha lao ra bờ sông lúc trời đứng bóng, nước sông màu vàng ệch chảy lững lờ, chỗ chú Sáu hay tắm cho bầy ngựa chỉ còn đôi sọt đựng cỏ, đôi dép đặt trên bộ quần áo nhưng phía xa kia, nơi cây muồng trâu lại có bóng ngựa để tôi lao đến và nhận ra con Xích điểu lông đỏ mà cha hay dùng. Con ngựa ô của tôi đã mất, đã trôi theo dòng sông tịnh vắng bóng người, sẽ vĩnh viễn không còn có chú Sáu chờ dưới dốc cùng bó cỏ mật miệng nghêu ngao hát: “Nhong nhong ngựa ông đã về- cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”.
Hơn ba mươi năm sau tôi đã theo gia đình về phố thị, mỗi đêm sáng, tiếng vó ngựa lóc cóc gõ nhịp vào bến đỗ khiến tôi nhớ đến quặn thắt bóng ngựa ô ngày cũ, nhất là vào năm thứ bảy của mười hai con giáp, hình ảnh ngựa lại có ở mỗi nhà. Lúc giải phóng tỉnh lỵ, chú Sáu đột ngột về lại, cười tươi với bộ đồ quân giải phóng. Câu đầu tiên lúc tôi cùng chú ngồi riêng trong quán vắng: “Sao bảo chú chết? Còn ngựa ô của cháu đâu?”. Chú Sáu gõ muỗng lanh canh theo nhịp vó ngựa đi nước kiệu, nhìn tôi rồi kể: “Lúc ấy chú làm du kích, khi biết bọn giặc sẽ đóng bót ở làng thì người cũng khổ huống chi ngựa. Ba cháu cùng chú tạo hiện trường giả để chú và bầy ngựa vào núi. Lúc ấy, phía mình cần ngựa lắm”. Chú Sáu im lặng dõi mắt nhìn lên phố rồi quay lại giọng nghẹn nghẹn: “Con ngựa ô lúc lên cứ, những ngày đầu nó phá chuồng lao ra trảng tranh hí vang xuống thung lũng, chú biết nó nhớ cháu. Sau có chú bên cạnh chăm sóc và bảo cháu sẽ lên nên nó thuần lại. Ngựa ô giúp đủ việc, cứu thoát anh em mấy lần nhưng đợt lũ rừng lúc chú và nó vượt suối để đưa tin khẩn gặp nước ào về cuốn phăng tất cả. Con suối như dòng sông hung hãn kéo cây rừng ngã đổ đá lăn ầm ầm. Ngựa ô ngoi lên giữa dòng nước xiết, ngẩng đầu vượt từng con sóng bạc để lao tới. Khi sang bờ bên kia, nó gục xuống vì kiệt sức và cũng vì nó dùng cả người gạt đoạn cây ngã trôi trên dòng nước để cứu chú”.
Tôi rưng rưng nước mắt nhớ đến ngựa ô, nhớ những đồi sim, những quãng đường đi học, nhớ đồi cỏ tuổi thơ sẽ không bao giờ có lại và cũng như con ngựa ô cuối cùng của hậu duệ loài ngựa mà tướng quân Cao Cát từng nuôi dưỡng một thời.
H.T.T