Trường ca nón ngựa
Nón ngựa Bình Định - như nhiều du khách hay tấm tắc khen, hay chính xác hơn với những người am hiểu - nón ngựa Phú Gia, đang trở lại như một dấu son đặc trưng Bình Định trong thời đại thông thương du lịch, kết nối văn hóa lan tỏa ngày càng mạnh. Một ngày cuối đông Quý Tỵ chúng tôi tìm về Phú Gia - Cát Tường - làng nón ngựa duy nhất tại Việt Nam, như một cách nghe trước tiếng vó hối hả của năm Giáp Ngọ đang gõ nhịp rất gần…
Theo một số nhà nghiên cứu, chiếc nón lá là vật dụng lâu đời, nhưng chiếc nón lá cỡ nhỏ có lẽ bắt đầu phổ biến từ thời Quang Trung - Tây Sơn. Dễ làm - Nhẹ - Rẻ - Đa dụng - chiếc nón lá cỡ nhỏ có lẽ là thứ quân trang bình dị hạng nhất của đội quân nông dân, gắn liền với tiếng tăm “thần tốc Tây Sơn”. Quân dùng nón lá, chỉ huy dùng nón ngựa - một biến thể cao cấp hơn, đẹp hơn. Cùng với chiếc nón lá, nón ngựa còn tồn tại tới ngày nay dù trong đời sống bình nhật người ta sử dụng nó với ý nghĩa khác với nguyên thủy.
Chút tình Phú Gia
Ở Phú Gia giờ hầu như người ta không còn làm nón khổ nhỏ như thế nữa, trừ khi sản xuất hàng lưu niệm. Nhưng nón ngựa sau những năm tháng tưởng chừng khuất bóng nay đang trở lại, bền bỉ trở lại, dù rất lặng lẽ.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan - một người làm nón thuộc hạng lão làng ở Phú Gia cho hay, nón ngựa cũng làm đúng các khâu như nón lá (còn là nón chóp) bình thường nhưng công phu hơn. Ví như, lá được chọn kỹ hơn (lá kè mỡ của vùng núi Vân Canh, Hoài Ân), được chằm nhiều lớp, bên trong và chóp nón được thêu hoa văn tỉ mỉ; chẳng những đẹp mà còn bền chắc hơn nhiều so với nón lá.
Nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết cho biết thêm, nón lá bình thường thì một thợ có thể chằm từ 3 - 5 chiếc/ngày, giá xuất xưởng 18.000 đồng/chiếc. Còn nón ngựa thì phải mất 4 – 7 ngày mới có thể hoàn thành một chiếc, tùy theo yêu cầu của phía đặt hàng, với giá bán từ 300 ngàn đồng/chiếc trở lên. Riêng ông Lan, lúc này chỉ nhận làm những chiếc nón ngựa công phu “độc bản” giá từ 1 triệu đồng/chiếc trở lên.
Đàn ông Phú Gia giỏi chằm nón nhưng nay họ chỉ chiếm chừng 10% số lượng người làm. “Họ chê mỏi lưng, ít tiền. Còn chị em thì túc tắc làm quanh năm, mỗi ngày kiếm 40.000 – 50.000 đồng, có việc thường xuyên là mừng rầu!”, chị Tuyết nói hồn hậu giọng xứ Nẫu.
Không quá nặng nhọc nhưng việc chằm nón đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh tường. Từ việc xếp sườn, vô vành, thắt chóp, bủa lá, chằm cước, nứt vành… Riêng làm nón ngựa thì các công đoạn đều tỉ mỉ, thêm nhiều vật liệu hơn và có công đoạn thêu vành, kết chữ, hình ảnh,… nên người có tay nghề “cứng” mới làm được nón ngựa.
Nói về độ bền chắc khác biệt của nón ngựa, ông Đỗ Văn Lan vào buồng đem ra chiếc nón mà mẹ ông đã sử dụng hơn 50 năm. Dù đã ngả màu, thay quai nón nhiều lần và mòn đôi chỗ nhưng chiếc nón ngựa vẫn nguyên đường thêu nét lá tinh xảo, lên bóng màu thời gian… - Đây, chú xem. Những chiếc nón ngựa như thế này có đáng gọi là một tác phẩm nghệ thuật không?
Tôi săm soi chiếc nón trên tay mà không nói nên lời. Đẹp quá. Nó đẹp không chỉ vì đường nét, mà còn vì ánh lên từ đó màu thời gian của đời người.
Trẻ trung vầng nón
Năm nay 40 tuổi, chằm nón từ lúc lên 10, chị Tuyết đang thuộc lớp nghệ nhân sung sức của làng. Gia đình chị ba đời làm nón, có chồng cũng vào nhà nón. Chị hiện là giảng viên của các khóa dạy nghề làm nón tại địa phương. Năm qua, Trường trung cấp nghề Bình Định đã đầu tư khóa học nghề nón 3 tháng cho con em Phú Gia. Một học viên gia cảnh kha khá đi học nghề thì được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng/người, diện hộ nghèo thì được 450 ngàn đồng/tháng.
Ở làng Phú Gia này, trẻ con 10 tuổi là đã được nhắc việc học làm nón, 15 tuổi đã ra thợ lành nghề. Ngoài giờ học, nhiều em ngồi chăm chỉ chằm nón, phụ giúp kinh tế gia đình. Theo một người am hiểu về nghề nón là bà Ngô Thị Hải (67 tuổi), nhờ có nghề nón phát triển sâu rộng nên con em ở đây ít tình trạng thiếu việc làm, không học lên nghề khác thì ở nhà làm nón cũng sống ổn. “Nhiều người băn khoăn: bây giờ ai còn đội nón? Thế nhưng các anh chị về nhiều vùng nông thôn quanh đây mà coi, chợ nón vẫn sầm uất; rồi nón Việt Nam còn đi khắp thế giới. Đặc biệt, nón ngựa Phú Gia với giá cả cao hơn hẳn nón thường, vậy mà lúc này làm không kịp nhu cầu. Nhờ thông thương kinh tế, phát triển du lịch, chiếc nón Phú Gia đã tỏa đi khắp năm châu” - bà Hải không giấu vẻ tự hào của mình.
Chị Tuyết cho biết: “Đơn đặt hàng nón ngựa Phú Gia luôn chặt cứng trong 5 năm gần đây. Làm không hết việc. Những năm trước, làng nón gặp khó khăn do chỉ quanh quẩn các mối hàng quen. Nhờ người làng vững lòng giữ nghề nên nay lại thành “của hiếm”. Hơn nữa nhờ nhà nước chú trọng đầu tư, quảng bá hình ảnh làng nghề nên nón ngựa Phú Gia có thêm nhiều người biết tới…”.
Trên đường trở thành tác phẩm nghệ thuật
Phó chủ tịch UBND xã Cát Tường - ông Lê Quang Công tỏ ra rất phấn khích với việc duy trì làng nón ngựa Phú Gia: “Có giai đoạn, làng nón khá đìu hiu. Thế nhưng bà con đã linh hoạt, mạnh dạn đầu tư tìm đầu ra. Cán bộ ở đây đều phải coi việc góp tay tôn tạo làng nghề là nhiệm vụ thường xuyên của mình. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để hút các nguồn vốn, tìm cơ hội quảng bá cho làng nón Phú Gia. Quan trọng hơn, anh em chúng tôi luôn kính nể tình yêu nón ngựa của các thế hệ nghệ nhân, tạo nên sức sống bền bỉ cho làng nghề Phú Gia”.
Tiễn chúng tôi về, ông Đỗ Văn Lan kể thêm, có rất nhiều đơn hàng nón ngựa “độc”, họ đòi hỏi gia công bằng các loại chỉ cước màu lạ, độ bền cao, rồi gắn chóp bạc, chóp vàng, khung vành đều hết sức tinh xảo… và thường thì giá cả “không thành vấn đề”. Có chiếc buộc ông phải tập trung kỳ cục làm hàng tháng trời mới xong. “Đàn ông chế tác nón ngựa cũng như mấy người… làm thơ, làm kịch. Thú vị lắm, nó như một tác phẩm độc lập, gắn với tâm huyết nghệ thuật của mỗi người chế tác. Chính vì là sản phẩm làng nghề thủ công nên nó càng quý trong thời sản xuất máy móc. Khách du lịch, các nhà kinh doanh nước ngoài mỗi khi đến đây đều “ôm” đi hàng chồng nón ngựa. Họ thích lắm!”.
TUẤN ÐÀO - SƠN NGÔ