Tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân: Thực hiện thành công, tăng hiệu quả hoạt động
Căn cứ Ðề án tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đến nay các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đều triển khai phương án tái cơ cấu thành công để hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ cho phát triển KT-XH ở địa phương.
Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo hướng gắn với xử lý nợ xấu, dưới sự chỉ đạo điều hành từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, 27/27 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh đều xây dựng phương án tái cơ cấu phù hợp thực tế và triển khai hiệu quả.
Khách hàng giao dịch tại Quỹ TDND Nhơn Hạnh (TX An Nhơn).
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh, cho biết: Hệ thống quỹ TDND trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng bài bản, nền nếp. Tổng kết đánh giá giai đoạn 2016 - 2020, 27 quỹ TDND đều cho thấy về chuyên môn đã tốt hơn, tài chính ổn định, nợ xấu giảm...
Hầu hết các quỹ TDND đã từng bước nâng cao năng lực tài chính, vốn điều lệ năm sau tăng hơn năm trước. 27 quỹ TDND đều đạt mục tiêu mức vốn điều lệ tối thiểu là 500 triệu đồng theo quy định; chất lượng tín dụng ở mức an toàn, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2% dư nợ cho vay, nhiều đơn vị có tỷ lệ nợ xấu 0%. Điển hình như các quỹ TDND Phước Sơn, Nhơn Hạnh, Nhơn Thành, Cát Tân, Bồng Sơn, Bình Nghi...
Ông Lưu Túc, Giám đốc Quỹ TDND Cát Tân (huyện Phù Cát), cho biết: “Để phù hợp với tiến trình phát triển, đơn vị phải tìm hướng đi riêng, trọng tâm là cho vay trong thành viên của Quỹ, tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tăng vốn huy động ngoài thành viên, chúng tôi bám sát tình hình thực tế, lãi suất của ngân hàng để điều chỉnh phù hợp, nhằm có thêm nguồn vốn cho Quỹ”. Nhờ vậy, trong 3 năm liên tiếp (2018 - 2020), Quỹ TDND Cát Tân hoạt động cho vay địa bàn Cát Tân - Cát Tường không phát sinh nợ xấu; năm 2019 được trao Cờ Thi đua cho Khối HTX phi nông nghiệp của tỉnh; là 1 trong 5 quỹ TDND của tỉnh huy động vốn trên 100 tỷ đồng.
Quỹ TDND Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) hoạt động trên địa bàn 3 xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An. Đến cuối năm 2020, Quỹ huy động vốn trên 62 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 54 tỷ đồng, tăng 7,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, không có nợ xấu, nợ quá hạn. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Nhơn Hạnh, chia sẻ: “Khi triển khai tái cơ cấu, Ban lãnh đạo Quỹ xác định hướng đi phù hợp để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Mục đích của quỹ TDND là hoạt động theo phương châm tương trợ, hỗ trợ, liên kết tạo điều kiện cho các thành viên cùng phát triển. Để tăng vốn huy động từ người dân, Quỹ chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra mức lãi suất ưu đãi; tìm cách khai thác khách hàng mới, khách hàng xa qua các hình thức thông tin rộng rãi, cử cán bộ tín dụng tới trực tiếp các hộ có nhu cầu gửi tiết kiệm để làm hồ sơ...”.
Tính đến hết năm 2020, huy động vốn của hệ thống quỹ TDND toàn tỉnh đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 291 tỷ đồng so với năm 2019 và tăng 917 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31.12.2016 (trước khi bắt đầu thực hiện Đề án). Dư nợ cho vay đạt 1.647 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31.12.2019, tăng 619 tỷ đồng so với cuối năm 2016.
Ông Nguyễn Trà Dương cho biết thêm: Để các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động theo đúng quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo kịp thời. Hằng năm, Phòng Thanh tra, giám sát ngân hàng của đơn vị thực hiện giám sát tại một số quỹ, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ giải quyết kịp thời. Ngành Ngân hàng có buổi làm việc hằng năm với ban lãnh đạo của quỹ TDND để nắm bắt đầy đủ thông tin cần thiết. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao, hướng dẫn các quỹ TDND thực hiện theo Quyết định 209/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc củng cố phát triển hệ thống quỹ TDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Thông tư 21/2019/TT-NHNN liên quan đến đảm bảo an toàn về hệ thống quỹ TDND.
Bài, ảnh: THU DỊU