Ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão:
Ðẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò người có uy tín
Trong nỗ lực ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, cả hệ thống chính trị huyện An Lão đã triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó đạt kết quả bước đầu, góp phần ổn định tình hình ANTT và phát triển KT-XH của huyện.
Theo UBND huyện An Lão, trên địa bàn huyện từ năm 2016 - 2020 xảy ra 40 vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm chết 10 người, cứu sống được 30 người, so với giai đoạn 2011 - 2015 giảm 25 vụ, giảm 4 người chết. Nguyên nhân dẫn đến tự tử là mẫu thuẫn gia đình, bệnh lý, hoàn cảnh khó khăn, già yếu…
CA huyện An Lão phối hợp với chính quyền xã An Toàn phân tích cho người dân hiểu về tác hại của tệ nạn tự tử và tuyên truyền, vận động bà con không giải quyết mẫu thuẫn, bế tắc trong cuộc sống bằng cách này.
Kết quả trên đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự lãnh đạo của UBND huyện; các cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng trong vùng đồng bào DTTS.
Ông Phạm Minh Tâm, Phó phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão, đánh giá: Dân số toàn huyện có khoảng 33.000 người với 3 dân tộc: Kinh, Bana và Hrê; trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 35%. Vấn đề ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào DTTS được lãnh đạo huyện hết sức quan tâm chỉ đạo. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tự tử trong cộng đồng người DTTS là do tâm lý tự ti, tự ái, mâu thuẫn vợ chồng... Chỉ một lời nói nặng, một việc làm không vừa ý họ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tự tử. Những người này đã mang sẵn tâm lý tiêu cực, gặp lúc rượu vào mà xảy ra những bất đồng với người trong gia đình, hàng xóm, là lập tức tìm cách tự tử; hoặc người mang trọng bệnh kéo dài cũng thường tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Nhận thấy vấn nạn tự tử tại địa phương có xu hướng ngày càng lan rộng và nguy cơ trở thành thói quen xấu, cần ngăn chặn, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành kế hoạch 42/KH-UBND ngày 20.10.2015 về “Phòng ngừa, ngăn chặn nạn tự tử trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân không tự tử; phát huy vai trò những người có uy tín, già làng trong vùng đồng bào DTTS để giải quyết những vấn đề phát sinh về ANTT ở cơ sở. Từ đó, nhiều già làng, người có uy tín là lực lượng tiên phong đã mạnh dạn đấu tranh với các tệ nạn xã hội, ngăn chặn nạn tự tử. Qua đó, có nhiều vụ việc liên quan đến mâu thuẫn gia đình, xã hội, nhiều vụ có nguy cơ dẫn đến tự tử cao được giải quyết kịp thời.
Mặt khác, thông qua công tác kết nghĩa với làng, thôn của các xã, thị trấn trong huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện tổ chức nhiều buổi giao lưu, tuyên truyền, nêu tác hại của việc tự tử, các tập tục lạc hậu đến tình hình ANTT… Nhờ vậy, qua 5 năm triển khai kế hoạch, nạn tự tử trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể so với trước.
“Trong thời gian tới, nhằm giảm dần và tiến tới xóa vấn nạn tự tử, huyện tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp thống kê, rà soát, xác định và phân nhóm các đối tượng, nắm được tâm tư tình cảm của từng gia đình, từng đối tượng để có phương pháp tuyên truyền, vận động và biện pháp giúp đỡ cụ thể. Trong đó tập trung nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần đồng bào. Định kỳ 3 tháng, các thôn, xã rà soát báo cáo kết quả tuyên truyền, vận động; chuyển biến tâm lý của từng người thuộc các nhóm đối tượng để UBND huyện kịp thời chỉ đạo, định hướng và xử lý”, ông Lâm nói.
Bài, ảnh: VĂN LƯU