Nhớ eo Nín Thở
Theo suy nghĩ của tôi, trong các địa danh “hiện đại” mà người Quy Nhơn đặt cho địa phương mình, có lẽ cái tên eo Nín Thở là ấn tượng nhất.
Hình như nó chỉ tồn tại trong dân gian chứ chưa thấy đưa vào địa danh hành chính? Vì vậy, cái eo ấy với lớp trẻ chỉ là một khái niệm mù mờ qua “lời kể”, còn lớp người đứng tuổi thì nó đã mất hút mù tăm trong ký ức của họ chừng chục năm nay rồi, kể từ khi Quy Nhơn khoác lên mình nó sự vạm vỡ của một đô thị hiện đại.
1.
Bờ biển Quy Nhơn, do cấu tạo địa hình uốn lượn vòng vèo nên các loại “eo” không thiếu. Eo thì nhiều nhưng eo Nín Thở thì chỉ có một. Nó nằm ngay phía nam góc sân bay Quy Nhơn cũ. Lớp người trung niên chắc quá biết lý do vì sao lại gọi “nín thở” để chỉ cái eo này.
Bây giờ đi ngang qua sân bay Quy Nhơn, thấy đường ngang ngõ dọc rộng rãi sạch đẹp, mấy ai còn nhớ nó trước đây vốn là nơi tập kết của đủ loại …mùi. Tôm khô, cá khô, mực khô, kể cả ...phân khô cũng đều tấp vô cái góc ấy để phơi. Nếu buổi chiều mà có mưa giông lập dập, tối đó ngang qua sân bay, thế nào mũi cũng “điếc” cả tuần. Đã vậy, ở phía đầu trong, nơi có cái doi đất nhoài ra phía biển, người ta xây một hàng lan can trông khá trữ tình, mục đích vừa để tránh cho những người quá chén lao xe luôn ra biển. Nhưng cũng vừa đủ trữ tình để cho nam thanh nữ tú ra đó hóng mát, nhất là vào những tối mùa hè. Đôi khi tôi lại nghĩ lơ mơ, bọn họ chắc phải giằng co quyết liệt lắm khi cùng nhau ngồi ở đó tâm tình. Ắt là họ đã bị đủ các loại mùi, kể cả mùi rác tấn công quyết liệt. Vậy mà họ vẫn dập dìu đến, thậm chí eo Nín Thở còn đi vào thi ca, nhạc, họa… Vậy thì eo Nín Thở không phải chỉ vì nín thở không thôi mà thành tên, nhỉ?
2.
Thế rồi chia tách tỉnh. Nghĩa về với Ngãi, Bình vẫn ở lại Bình. Bài hát của nhạc sĩ tài danh Vĩnh An có câu “ơi cô gái Nghĩa Bình” liền được đổi thành … “ơi cô gái nghĩa tình” cho nó đỡ dính dáng chuyện cũ! Không sao cả. Bình Định- Quảng Ngãi vẫn là chỗ nghĩa, chỗ tình từ thời Nguyễn Huệ dấy nghiệp chứ chả phải mới đây. Cái eo Nín Thở cũng bắt đầu chuyển động theo sự kiện tách chia ấy. Sân bay Quy Nhơn chỉ còn cái tiếng, kỳ thực là nó đã “cắt bay” lập dập từ sau ngày giải phóng rồi. Được vài năm thì thôi hẳn.
Nhà thơ Thanh Thảo, trong một hồi tưởng từ năm ông lên 8 tuổi, theo mẹ vô Quy Nhơn tập kết có nhắc đến cái sân bay này. Từ dưới cảng, lũ trẻ thấy chiếc “máy bay bà già”, hình như loại máy bay vận tải Dacota thì phải, quần lượn trên bầu trời Quy Nhơn trước khi đáp xuống sân bay, chúng băng qua những trảng cát bỏng chân để được tiếp cận con “quái vật” càng gần càng tốt. Điều này chứng tỏ, từ năm 1954, Quy Nhơn vẫn còn là một thành phố khá trống vắng.
Thế nhưng, chỉ trong vòng vài mươi năm sau đó, Quy Nhơn đã khoác lên nó hình thù của một đô thị xô bồ. Sân bay Quy Nhơn không còn phù hợp khi nó nằm giữa lòng thành phố. Cái eo Nín Thở cũng không thể tiếp tục hành hạ dân Quy Nhơn và du khách phải “nhịn thở” mỗi khi qua đây nữa.
3.
“Khai tử” hẳn sân bay Quy Nhơn bằng một quy hoạch tổng thể như chúng ta được nhìn thấy bây giờ vừa là nhu cầu bức thiết của thành phố lúc ấy nhưng cũng thật may mắn cho người Quy Nhơn là, sân bay ấy, trong chừng mực nào đó đã thoát ra khỏi quy luật mà tỉnh nào cũng mắc phải sau khi tách tỉnh: “thành kính phân… lô”.
Vâng, thì chính quyền cũng có phân lô bán nền tại sân bay Quy Nhơn nhưng các nhà quản lý cũng đã biết dành cho người Quy Nhơn một không gian khá rộng để hít thở. Và, cái eo Nín Thở cũng đã bắt đầu được thay thế bằng một cái eo “dễ thở” hơn với công viên, thảm cỏ, cây xanh… và đặc biệt là hàng loạt những con đường ngang qua đó mà tiêu biểu nhất là con đường mang tên nhà thơ Xuân Diệu.
Chưa tỉnh nào dọc miền Trung, kể cả ở quê gốc của ông, chọn con đường đẹp nhất để đặt tên một nhà thơ như thành phố biển Quy Nhơn. Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu hẳn sẽ vui hơn nếu ông tường minh rằng, con đường đẹp nhất ấy lại được bắt đầu từ … eo Nín Thở rồi băng qua những xóm nhà chồ đầy rác và cũng luôn phải “nín thở” vào mỗi buổi sớm mai khi những chủ nhân của nó vô tư “đối thoại với biển”.
Bây giờ thì dân Quy Nhơn không còn “nín thở” để đi qua khúc cua ở đầu sân bay ấy nữa. Tôi đã có thể hít căng lồng ngực mà không sợ bị các loại mùi tấn công như từ 25 năm trước. Nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, cái mùi nằng nặng khó nghèo của Quy Nhơn một thuở như vẫn còn quanh quất đâu đây.
TRẦN ÐĂNG