Ngọt thơm là bánh
Không chỉ nổi tiếng với nghề thêu tranh, nghệ nhân Trần Thị Mỹ Lâm (71 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) còn được khách hàng khắp nơi tìm đến đặt làm nhiều loại bánh truyền thống. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến các loại bánh đậu xanh được tạo hình cây, trái.
Nghệ nhân Trần Thị Mỹ Lâm vốn là người kế nghiệp đời thứ tư một gia đình làm nghề thêu truyền thống. Gắn bó với nghề hơn 50 năm qua, bà Lâm nắm giữ những tinh hoa của kĩ thuật thêu tranh độc đáo. Vậy nhưng, bàn tay khéo léo và sự sáng tạo trong nghề thêu ấy còn được bà Lâm phát huy ở một nghề nữ công gia chánh khác - nghề làm bánh truyền thống…
Giữ một nét nghề
Thuở nhỏ, khi thấy bà và mẹ thường làm các loại bánh truyền thống trong dịp Tết hay tiệc tùng, đám giỗ, cô bé Lâm khi ấy đã tò mò hỏi han và phụ giúp. Khéo tay và chịu khó, nên dần dần, bà trở thành một người làm bánh ngon có tiếng ở địa phương. Nhưng muốn hành nghề dạy làm bánh phải có chứng nhận của một trường nghề, vậy nên bà Lâm khăn gói vào Sài Gòn học. “Khi ấy, trường chỉ dạy làm các loại bánh nước ngoài, nên biết tôi giỏi nghề làm bánh truyền thống, cô giáo lại nhờ tôi dạy lại cho bà. Có được chứng nhận nghề, tôi về lại quê nhà ở Phù Cát và đi dạy cách làm các loại bánh truyền thống và giữ nghề cho đến hôm nay…”, bà Lâm tâm sự.
Đến nhà bà Lâm, một lần, tôi có dịp được thưởng thức món bánh “tai yến” lạ mắt, có vị dai dai ngọt ngọt, ăn không ngán. Bà Lâm giảng giải để làm bánh này, phải chọn được loại gạo ngon xay thành bột, rồi bỏ vào bao vải đằng khô. Trước khi lấy bột khô làm bánh phải ủ thêm 3 tiếng, rồi bóp với đường theo tỉ lệ thích hợp. Lại dùng loại chảo đồng cỡ chén ăn cơm để chiên bột... Bánh đạt yêu cầu phải phồng lên, đường trong bột chạy viền bèo xung quanh mép bánh, ở giữa bánh, đường cũng chạy thành những đường tơ, trông như tổ yến.
Theo bà Lâm, cách làm bánh tai yến đơn giản hơn so với các loại bánh truyền thống khác như bánh thuẫn nước, bánh thuẫn giòn. “Bánh thuẫn nước khó làm vì gồm nhiều công đoạn. Đánh trứng vịt, đường, bột mì với tỉ lệ phù hợp, rồi dùng hai vỏ trứng rỗng chứa nước lạnh chêm vào từng chút cho hòa vào nhau. Lấy một nồi đất đặt lên bếp than, dưới nồi có một lớp cát. Bỏ khuôn đúc bánh thuẫn hình tròn bằng đồng vô. Thoa dầu, chờ khuôn đủ độ nóng thì đổ bột vô mới kêu cái xèo. Trải thêm lá chuối lên khuôn rồi bưng một cái trã rang có lửa than đậy lên trên nồi. Khoảng 7 phút sau mở ra, bánh thuẫn chín nở bung ra ba tép, ăn mềm, thơm mới được xem là đạt yêu cầu”, bà Lâm mô tả cách làm bánh.
Độc đáo bánh trái cây
Xem bà Lâm làm bánh trái cây bằng đậu xanh, tôi ngạc nhiên khi nhìn cục bột đậu xanh dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đã “bắt hình” thành quả mãng cầu, đu đủ, mận, khế, lê, cam, dâu… Đậu xanh ngâm rồi vo sạch, sau đó, được nấu chín rồi xay nhuyễn. Tiếp tục cho đường vào bột đậu xanh, bắc lên bếp khuấy đều đến khi bột khô, sờ không dính tay thì bỏ thêm bột nếp vào cho bánh dẻo và không bị nứt. “Bánh trái cây muốn đẹp, người làm phải khéo léo khi bắt bột, tạo chi tiết cho lớp vỏ bên ngoài. Bánh được nhuộm nhiều màu từ nguyên liệu tự nhiên cho giống thật, rồi nhúng vào chất đông sương để bóng và bắt mắt hơn”, bà Lâm tiết lộ bí quyết.
Ngoài bánh trái cây, bà Lâm còn sáng tạo thêm các loại bánh đậu xanh “không đụng hàng” khác như buồng trầu cau, giỏ hoa có con bướm đậu bên trên, chim thiên nga, cá lia thia… Bà Nguyễn Thị Hương (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) kể: “Khi tổ chức đám cưới cho con gái, tôi đã đặt làm bánh trầu cau và bánh trái cây cho vào hai quả thay cho trầu cau thiệt. Họ nhà trai ngoài Huế cứ tấm tắc khen người Bình Định thiệt khéo tay”. Một nhà hàng ở Gia Lai cũng thường đặt bà Lâm làm 1.000 quả cau đậu xanh để dọn làm món tráng miệng trong tiệc cưới. Nhiều Việt kiều cũng đặt mua bánh đậu xanh đem theo để giới thiệu hương vị quê nhà nơi xứ người...
Bà Lâm từng truyền dạy nghề làm bánh truyền thống cho học trò ở nhiều địa phương tìm đến “tầm sư”. Anh Nguyễn Văn Hải, một trong nhiều học trò của bà, cho biết: “Vợ tôi là người Bình Định. Chúng tôi đang sống ở Hà Nội. Mỗi lần về quê, chúng tôi đều mua bánh đậu xanh trái cây của cô Lâm ra biếu bạn bè, bà con ở Hà Nội, ai cũng thích. Mẹ tôi cũng là đầu bếp nhà hàng, một lần được thưởng thức bánh đậu xanh của cô Lâm, đã bảo vợ chồng tôi vào tận đây để học nghề làm bánh”.
Sau mấy tháng học xong nghề, vợ chồng anh Hải đã đem bánh truyền thống Bình Định ra Hà Nội giới thiệu và rất thành công. “Vợ chồng học trò có gọi điện chia vui, bánh đậu xanh trái cây đang rất đắt hàng ngoài Hà Nội, mỗi ngày làm gần 500 bánh đều bán hết. Tôi rất mừng khi nghề làm bánh truyền thống xứ mình đã lan xa”, bà Lâm bộc bạch.
HOÀI THU
Chào quí anh chị, có thể cho em xin số điện thoại và địa chỉ nghệ nhân Mỹ Lâm được ko ạ
Có thể cho em xin địa chỉ của cô được không ạ?