Vẻ đẹp tiềm tàng nơi đất cũ
Hôm nọ từ Hoài Ân quay vào Quy Nhơn, chúng tôi nghỉ chân bên Cửa Đông thành Bình Định, TX An Nhơn. Đang lúc đói bụng, chợt nhớ lời đồn bánh canh cổng thành rất ngon mà chưa có dịp thử, bèn kéo ghế, gọi bánh canh gạo. Chủ quán nói không có bánh canh gạo, chỉ có bánh canh mì, chúng tôi xin lỗi rồi đứng lên. Người đàn bà bán nước mía, cũng là người nhà của chủ quán bánh canh, lặng lẽ quan sát và đoán ý, lúc chúng tôi dắt xe ra, bà bước theo, nói: “Mấy anh chị muốn ăn đúng bánh canh gạo cá lóc phải không? Quán chính tông hồi trước ở đây, nay chuyển chỗ rồi. Chạy thẳng xuống dưới kia, bỏ một ngã tư, đi tiếp đến một ngã ba, rẽ phải, quán day mặt hướng Tây, là nó đó”.
Chúng tôi cảm ơn, bà nháy mắt cười hiền hậu, rồi xua tay nhè nhẹ ra hiệu đi đi, đừng bận lòng. Theo hướng bà đã mô tả, chúng tôi đến quán A Thiện.
Anh chủ quán đứng bên bếp lò đỏ rực, chặm mồ hôi hớn hở tươi cười đón khách. Đợi mươi phút, mấy tô bánh canh thơm lừng bốc khói nghi ngút được bưng ra. Sợi bánh làm bằng bột gạo nhồi kỹ, thanh và dai. Cá lóc trắng óng xắt thành miếng vuông nhỏ, vừa khuôn miệng, đã được ướp hành, nghệ, nước mắm và làm chín trước khi cho vào từng tô. Bánh canh nóng ăn ghém với rau má chần nước sôi, bánh tráng mè nướng giòn, và các gia vị tự chọn: Ớt tương, ớt trái, tiêu, chanh... Tiếng xuýt xoa vì nóng, tiếng hít hà vì cay, tiếng húp sì sụp ngon lành của thực khách, lác đác tiếng gọi thêm tô nữa. Quán nườm nượp khách, nhưng phục vụ nhanh, tăm tắp.
Đoán xem, giá một tô bánh canh như vầy khoảng bao nhiêu? Ba mươi nghìn xứng đáng. Gọi tính tiền, chỉ hai mươi nghìn một tô thôi. Rời quán mà vui, không phải vì tô bánh canh giá rẻ hơn tưởng tượng, mà vì sự mộc mạc và lương thiện của người đất Vua. Đất Vua nhé, không phải thôn quê, vì nơi này từng là kinh đô của vương quốc Champa, rồi tới vua Thái Đức của vương triều Tây Sơn; thành Bình Định là phủ lỵ từ thời nhà Nguyễn, sau đó ngót nghét trăm năm là thị trấn, rồi bây giờ là phường Bình Định của TX An Nhơn. Dân ở đây tinh đời, biết ngay khách lạ hay quen, nhưng không “chơi chiêu”, “đôn giá”.
Vui, với chúng tôi, còn vì cách hỏi han, chỉ đường nhiệt thành và dễ mến của bà bán nước mía. Không bực bội vì sự bỏ đi của khách, ngược lại còn ân cần giới thiệu một món đặc sản, bà thực sự đã để lại ấn tượng đẹp về sự văn minh dung dị. Bỗng thấy thương và biết ơn những ánh mắt còn biết nâng niu cảm xúc của đồng loại.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG