Thị trường chậu cảnh: Trăm hoa đua nở
Tháng giêng hai - mùa thay chậu cho cây, thời điểm thị trường chậu cảnh nhộn nhịp nhất trong năm - các chủ cơ sở chuyên kinh doanh chậu cảnh trong tỉnh đưa về rất nhiều mẫu chậu độc đáo, đặc biệt là những chậu giả cổ. Cùng với đó, các cơ sở đúc chậu ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn… cũng chào bán nhiều mẫu chậu mới.
Mấy năm gần đây, các làng nghề trồng hoa phát triển nhanh đều khắp các huyện Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn, cùng với đó lượng người hâm mộ nghệ thuật bonsai, cây cảnh cũng tăng lên khá nhiều… Những yếu tố này tác động mạnh, khiến thị trường chậu cảnh ở Bình Định ngày càng đa dạng về mẫu mã, màu sắc, chủng loại chất liệu.
Khách hàng chọn mua chậu ở cửa hàng kinh doanh gốm sứ Lê Hiếu, đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn.
Ông Trần Văn Sơn, chủ một cơ sở đúc chậu ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, cho biết: Trước đây, chậu đúc ở Bình Định chủ yếu bằng xi măng và cũng chỉ vài mẫu chậu tròn, trơn. Giờ đây, có đủ loại bằng đất nung, xi măng, đá mài… Về hình dáng có đủ vuông, tròn, lục giác, oval… với đủ mọi kích thước theo yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt các hoa văn trang trí trên thân chậu cũng phong phú hơn, in có, đắp nổi, dập chìm có hết. Muốn thân chậu có các hình ảnh, điển tích kiểu: Phúc, lộc, thọ; tứ linh, tứ bửu hay ngư tiều, tùng hạc…, loại gì cơ sở đúc cũng đáp ứng nhanh gọn. Giá cả cũng rất phong phú, từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng đều có.
Thông thường cây ở giai đoạn chưa hoàn chỉnh sẽ được nhà vườn nuôi trong chậu xi măng, đá mài. Nhưng với những cây đã đầy đủ chi cành, liền sẹo, người ta thường sử dụng chậu men sứ, hoặc chậu đất nung cao cấp nhập khẩu từ Trung Quốc. Có rất nhiều cửa hàng, đại lý phân phối dòng chậu này, nhưng đáng kể nhất vẫn là các cửa hàng được nhiều người biết như: Hai Hẹn, 6 Thuận, Nhơn (TX An Nhơn), Xuân Lý, Khanh Hà, Phong Lan (TP Quy Nhơn), Lưu Ly, Kim Thủy (Hoài Ân), Văn Tú, Toàn Thắng (TX Hoài Nhơn). Những cửa hàng này bán đủ mọi thứ chậu và vật tư ngành bonsai, cây cảnh, nhưng mạnh nhất vẫn là chậu gốm sứ… với thang giá rất rộng từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Dù ở sâu trong thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước nhưng cửa hàng gốm sứ - đất nung của ông Hà Đức Hiền vẫn có khá đông khách đến mua hàng, kể cả từ TP Quy Nhơn, TX An Nhơn. Vốn có nghề làm và buôn bán cây cảnh, ông Hiền hiểu sâu nhu cầu của khách hàng trong nhiều thời điểm, vì vậy ông có thể tư vấn chính xác, giúp khách lựa đúng mẫu chậu phù hợp. Ông Hiền kể: “Tôi chọn phân khúc chậu cảnh cổ, giả cổ cho khách hàng. Nhờ có nghề nên tôi nắm bắt được gu chơi của từng khách hàng và tư vấn mẫu chậu phù hợp. Hơn nữa do cửa hàng ở xa trung tâm nên cũng một mẫu như vậy, tôi lấy lãi ít hơn một chút, vậy là khách hàng vẫn tìm đến, mua hàng có mà đặt hàng nhờ tìm cũng có”.
Dù có thể đáp ứng cực kỳ đa dạng nhu cầu của khách hàng nhưng mỗi cửa hàng thường chọn một phân khúc riêng để tập trung cạnh tranh. Gốm sứ Hai Hẹn với 3 cửa hàng lớn tại phường Bình Định và xã Nhơn An, TX An Nhơn chuyên cung cấp các sản phẩm mang các nhãn hiệu Gốm Hoàng, Nam Phong ở Đồng Nai, Bình Dương. Nhóm sản phẩm nổi tiếng nhất của những dòng gốm này là gốm giả cổ với mẫu mã, chất lượng rất gần với nguyên bản, giá một chiếc chậu như thế từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Ông Đỗ Xuân Khanh, chủ cửa hàng gốm sứ Khanh Hà, 39 Lam Sơn, TP Quy Nhơn, chuyên cung cấp sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, gốm nhập khẩu từ Trung Quốc, phân tích: “Gốm sứ Bát Tràng và các dòng gốm từ miền Nam nổi tiếng lâu đời, được nhiều người tín nhiệm. Sau nhiều năm liên tục cải tiến, giờ đây hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc. Cửa hàng tôi bán ra mỗi năm hàng triệu chậu không chỉ cho thị trường trong tỉnh, mà còn cho các tỉnh lân cận và khu vực Tây Nguyên. Các loại chậu Trung Quốc hàng đất nung và cả men sứ trước đây chiếm tỷ lệ trên 40% thì nay chỉ còn chừng 10%”.
HẢI YẾN