Vít cong cần rượu đón Xuân
Khi đề cập đến văn hóa của các dân tộc ít người, thường có sự liên tưởng đến những ngôi nhà sàn ẩn hiện giữa núi rừng, mái nhà rông vững chãi giữa làng, giai điệu cồng chiêng trầm hùng và tất nhiên, ít ai quên hương rượu cần.
Rượu cần của đồng bào Bana, H’rê ở Hoài Ân vừa có phong vị sơn cước như những dòng rượu cần khác, vừa có sự nồng nàn của riêng nó mà có lẽ phải lên đến tận nơi bạn mới cảm nhận trọn vẹn.
Cũng như các dân tộc thiểu số ở các vùng khác, đồng bào Bana, H’rê ở Hoài Ân làm rượu cần hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm chứ không cân đo đong đếm như người Kinh. Rượu ngon hay dở là phụ thuộc vào sự tinh tế của người làm rượu, một đôi khi cũng chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu và chất lượng của chiếc ché đựng rượu. Ở Hoài Ân, rượu cần ngon giờ gần như chỉ có ở các xã vùng cao như Bok Tới, Đakmang. Người nấu rượu nổi bật là: mí Sơn ở làng T2, Bok Tới; mí Đường ở làng O6, Đakmang…
Người uống rượu cần đúng điệu không bao giờ dùng ly dùng chén mà dùng cần làm bằng cây dương xỉ, cây giang được thông hai đầu. Khi uống cắm cần vào ché, ngồi vít cần vừa tầm mà uống. Uống rượu cần là một sinh hoạt mang tính cộng đồng cao. Đã dùng đến rượu cần thì ít nhất cũng phải năm bảy gia đình trở lên. Người Bana, H’rê ở Hoài Ân thường tổ chức uống rượu cần tại nhà của mỗi gia đình trong các trường hợp gặp người thân, về nhà mới, lễ cưới, lễ đặt tên con; uống rượu dưới cây nêu khi có lễ tạ ơn, lễ hội ăn trâu cầu phúc. Và những cuộc vui ấy không bao giờ thiếu bạn bè, hàng xóm, láng giềng.
Đặc biệt khi uống rượu cần tại nhà rông trong các dịp hội, lễ, mừng lớn bao giờ cũng có những người cao tuổi nhất khai cuộc vui bằng những lời chúc phúc cho cả cộng đồng. Khi đó, mỗi gia đình chọn cho một vài ché rượu ngon nhất để đem đến nhà rông. Người Bana uống rượu cần lúc nào cũng phải cúng lễ. Phần lễ này thường thoáng qua rất nhanh do chủ cuộc rượu hoặc già làng thực hiện. Hũ rượu cúng các Yang, ma đất là hũ rượu thiêng được già làng mời những người cao niên và người khách uống trước làm phép. Sau đó các gia đình tự cắm cần, đổ nước vào ché rượu nhà mình lần lượt mời khách của làng, mời bạn bè, thân hữu. Người già uống, người trẻ uống, đàn ông uống, đàn bà cũng uống, không phân biệt tuổi tác trên dưới, không phân biệt khách lạ người quen. Họ vừa uống rượu cần vừa đánh cồng chiêng, vừa múa hát tạo ra một không khí vui vẻ nhộn nhịp. Cuộc rượu cứ thế lan tỏa như lửa ấm. “Ta uống thâu đêm đến sáng, uống cho con gà trống thèm khát phải gáy lên, uống cho ông mặt trời phải mỉm cười mở mắt. Uống khi nào các ché rượu cần nhạt dần hương men, người uống rượu ngả nghiêng chếnh choáng”.
Mỗi độ xuân về, hay trong mùa lễ hội, nếu có dịp mời bạn đến với đồng bào Bana, H’rê ở BokTới, Đakmang, Ân Sơn để đắm mình trong không gian của núi rừng đại ngàn mà nghe lảnh lót tiếng suối reo, tiếng chim hót phát ra từ cây đàn T’rưng, đàn Pơlơnkhơn, tiếng binh-bông trầm hùng của dàn cồng chiêng vang vào vách núi đồng vọng lan tỏa, mời gọi, thôi thúc mọi người cùng hứng khởi với các chàng trai cô gái Bana, H’rê giữa vòng xoang lung linh sắc màu thổ cẩm, rồi say sưa cùng các làn điệu dân ca Bana, Calêu - Cachoi ngọt ngào, say đắm mà chếnh choáng với hương men rượu cần và lòng mến khách của người dân miền núi.
VÕ CHÍ HÀ