Xây dựng Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Tây Giang
Sáng mai (22.1), tại di tích Huyện đường Bình Khê thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Nơi cách nay hơn 100 năm (1909), cha con quan Tri huyện - phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sống.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, Bình Khê là một huyện bán sơn địa có nhiều xáo động với những bức xúc về vấn đề dân tộc và giai cấp. Sau Nghị định tháng 10.1898 của Khâm sứ Trung kỳ Bouloche, hàng chục nhà tư bản Pháp từ Quy Nhơn kéo lên Bình Khê và Tây nguyên chiếm nhượng địa như: Delignon và Lari… chiếm hàng ngàn mẫu tây đất rừng ở Phú Phong, Vĩnh Thạnh, An Khê để thành lập các đồn điền cao su, chè, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi trâu bò và khai thác gỗ … Cuộc xâm nhập của những tư bản Pháp vấp phải sự chống trả quyết liệt của nhân dân các dân tộc ở Bình Khê.
Trong lúc tình hình Bình Khê diễn ra tranh chấp gay gắt giữa nông dân và địa chủ, Cụ Nguyễn Sinh Huy được triều đình Huế điều về giữ chức Tri huyện (1.7.1909). Theo văn bản bổ nhiệm quan chức chấm thi Hương trường thi Bình Định khoa Kỷ Dậu, ngày 16 tháng 3 năm Duy Tân thứ 3 (5.5.1909), cụ Nguyễn Sinh Huy đang làm Thừa biện Bộ Lễ được phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định, sau đó được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê thay cho Tri huyện tiền nhiệm Hồ Tiếu Khanh bị cách chức.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân năm 1894 tại kỳ thi Hương ở Nghệ An, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy trước khi đậu phó bảng tại Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) ở Huế. Xuất thân từ thành phần bình dân, sống gần dân, mang nặng tình nghĩa với dân, nên cụ Nguyễn Sinh Huy thấu hiểu nỗi thống khổ của dân nghèo dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Là một nhà Nho cấp tiến, có chức sắc nhưng cụ vẫn giữ nếp sống thanh bạch, giản dị, không màng lợi danh và quyền uy. Có thể nói, cụ Nguyễn Sinh Huy là một người thức thời và tỉnh táo đối với hướng đi của các sĩ phu đương thời, khi nhận chức Tri huyện Bình khê, cụ đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành. Với chức quan nhỏ nhất của chế độ phong kiến, phó bảng Nguyễn Sinh Huy những tưởng sẽ làm vơi bớt nỗi thống khổ của dân nghèo Bình Khê, nhưng lập tức cụ nhận lấy hệ quả bị giáng 4 cấp, vì một địa chủ kiện cụ bênh vực dân nghèo trong vụ tranh chấp dẫn đến vi phạm nguyên tắc chế độ đương thời. Sau hơn 6 tháng làm Tri huyện Bình Khê, ngày 17.1.1910 cụ bị cách chức đưa về Huế hậu xét.
Trong thời gian cụ Nguyễn sinh Huy làm Tri huyện Bình Khê, cũng là thời điểm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Huế đi vào Nam, Người đã đến và ở lại Đồng Phó (Bình Khê) và Quy Nhơn một thời gian. Ngoài ra, Nguyễn Tất Thành còn đến một số nơi khác như: Tỉnh thành Bình Định (An Nhơn), nhà cụ Đào Tấn (làng Vinh Thạnh, Tuy Phước) …
Huyện đường Bình Khê là nơi cha con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sống những ngày đẹp đẽ cuối cùng và diễn ra cảnh chia tay lịch sử, để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình gian khổ tìm đường cứu dân, cứu nước mà không bao giờ gặp lại người cha kính yêu của mình. Tuy sống trên đất Bình Khê, Bình Định những ngày tháng ngắn ngủi, nhưng chắc chắn con người và thiên nhiên của vùng đất này, hạt gạo, củ khoai, tấm lòng người dân quê mộc mạc, chân tình từng chăm chút, cưu mang đã in sâu vào tâm khảm người thanh niên bôn ba tìm đường cứu nước Nguyễn Tất Thành.
Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập trong nhiều tư liệu: sách, báo và các bài nghiên cứu tại các Hội thảo khoa học chuyên đề tổ chức ở Bình Định, Hà Nội, Đồng Tháp… Qua các bài nghiên cứu và thông báo khoa học, đã chứng minh di tích Huyện đường Bình Khê là nơi ghi dấu ấn về sự thanh liêm, thức thời của Tri huyện Nguyễn Sinh Huy và phản ánh một sự kiện quan trọng: Bước đầu hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn tất Thành trên bước đường tìm con đường giải phóng dân tộc.
Di tích Huyện đường Bình Khê – nơi Tri huyện Nguyễn Sinh Huy từng làm việc là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bình Định, là nguồn động viên cổ vũ các thế hệ phát huy mọi tiềm năng trí tuệ tham gia bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy - một nhà Nho yêu nước, tận tụy vì dân, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Thanh Quang