Sinh viên sáng tạo vì cộng đồng
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thời gian qua, nhiều sinh viên Trường ÐH Quy Nhơn đã sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ hữu ích, hướng đến phục vụ cộng đồng.
Thỏa sức sáng tạo
Tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2020, đề tài “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh” của nhóm sinh viên khoa Khoa học Tự nhiên đã thuyết phục Hội đồng giám khảo bởi sáng kiến có tính chuyên sâu, mang tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết vấn đề rác thải vốn đang “nóng”.
Nhóm sinh viên khoa Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Quy Nhơn thực hiện xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh.
Đề tài nghiên cứu phân hủy phụ phẩm nông nghiệp bằng chủng vi sinh vật để tạo ra phân vi sinh. Loại phân này dùng để xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh thân thiện với môi trường và an toàn cho rau. Ưu điểm của phương pháp này là xử lý nhanh, rẻ, không gây ô nhiễm môi trường, có khả năng ứng dụng rộng rãi và dễ dàng thực hiện trong đời sống hằng ngày. Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu còn thiết kế các thùng tự ủ rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh.
Trước thực tế nông sản Việt Nam thường rơi vào tình trạng phải “giải cứu”, một phần nguyên nhân do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch, nhóm nghiên cứu của sinh viên khoa Công nghệ thông tin đã xây dựng ứng dụng “Mạng xã hội nông nghiệp kết hợp chứng thực nguồn gốc nông sản - CoFarm”. Qua đó, hỗ trợ người nông dân thay đổi thói quen sản xuất, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản. CoFarm là một mạng xã hội rộng mở, kết nối với nhiều khách hàng, kênh bán hàng, sàn thương mại điện tử, đơn vị cung cấp, vận chuyển... Khi tham gia, người nông dân cập nhật các hoạt động sản xuất để công khai thông tin về sản phẩm. Thông tin đó là cơ sở để CoFarm xây dựng mã QR, cung cấp chứng thực nguồn gốc cho sản phẩm, đồng thời rao bán sản phẩm trước khi thu hoạch. Phần mềm giúp nông dân nắm bắt được nhu cầu của người dùng và đánh giá năng lực thật sự của mình. CoFarm dự định thu hút 500 nghìn thành viên tham gia trong năm 2021.
Một nghiên cứu khác của Bùi Đoàn Duy Hiệu, khoa Công nghệ thông tin là ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) để trồng rau thủy canh. Ở mô hình này, rau không trồng trên đất mà trồng trên hệ thống đường ống chuyên dụng. Thông qua hệ thống cảm biến của IoT, chủ vườn có thể nắm bắt mọi thông tin về chỉ số pH, dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước tưới... qua điện thoại thông minh hoặc máy tính, đồng thời điều khiển mọi thiết bị trong vườn và chăm sóc vườn rau từ khoảng cách hàng nghìn km. Với mô hình này, chủ vườn có thể cắt giảm chi phí nhân công, kiểm soát quá trình chăm sóc vườn rau để đạt năng suất tốt hơn.
Vì cộng đồng
Sinh viên Trần Diễm Thương, khoa Khoa học Tự nhiên, chia sẻ: “Đề tài “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh” được nhóm xây dựng với mong muốn chung tay giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải hiện nay. Khi nghiên cứu, nhóm không đặt nặng mục tiêu vì giải thưởng, mà chỉ muốn làm sao hiện thực hóa các ý tưởng nảy sinh từ quá trình học tập và thực tế cuộc sống. Kết quả đạt giải nhất cuộc thi là động lực để nhóm tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu và có những sáng kiến mới phục vụ đời sống”. Còn bạn Trương Minh Long, khoa Công nghệ thông tin, trải lòng: “Cho dù vì mục đích gì đi nữa, điều quan trọng đằng sau các đề tài là mong muốn của chúng tôi đóng góp với xã hội”.
PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, khoa Khoa học Tự nhiên, cho biết: Phát triển nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng, phục vụ cộng đồng là mục tiêu mà Trường ĐH Quy Nhơn đang hướng tới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Năm học 2019 - 2020, Trường ĐH Quy Nhơn đã xét duyệt, cấp kinh phí cho 72 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Trong số đó, 20 đề tài đạt giải thưởng cấp trường và 2 đề tài đạt cấp Bộ. Dù nhiều đề tài nghiên cứu mới chỉ dừng ở ý tưởng, chưa thể triển khai ngay vào thực tế, nhưng đó đều là những tìm tòi, sáng tạo, chắt lọc từ nhu cầu cuộc sống và tấm lòng của sinh viên hướng đến phục vụ cộng đồng.
HỒNG HÀ