Giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai ở Tuy Phước: Chuyển biến từ nhiều giải pháp đồng bộ
Tăng nhân lực tiếp nhận và trả kết quả, theo dõi chặt tiến độ giải quyết, chú trọng công tác phối hợp liên ngành..., nhiều giải pháp được chú trọng đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn trên lĩnh vực đất đai ở huyện Tuy Phước.
Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trên lĩnh vực đất đai ở huyện Tuy Phước là 23,9%; sang năm 2020, tỷ lệ này vọt lên đến 57,7%. Tính từ ngày 1.1 đến 10.3.2021, sau nhiều nỗ lực, tỷ lệ hồ sơ quá hạn kéo giảm xuống mức 15,9%.
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai ở huyện Tuy Phước.
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Tuy Phước Trần Văn Bình, sau thời gian đầu bỡ ngỡ, các bộ phận liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực đất đai đã làm quen và từng bước sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý. Qua đó, khắc phục tình trạng hồ sơ giấy đã hoàn thành, trả kết quả cho người dân nhưng chưa thể hiện trên phần mềm điện tử.
Bên cạnh đó, từ tháng 10.2020, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện cử thêm 1 người phụ trách tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận Một cửa của UBND huyện Tuy Phước. Với 2 người, khâu kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận được tiến hành chặt chẽ hơn, phát hiện kịp thời hồ sơ thiếu thủ tục, những chi tiết bất hợp lý trong hồ sơ để đề nghị người dân khắc phục, bổ sung.
“Trước đây, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương trong quá trình giải quyết hồ sơ chưa nhịp nhàng. Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Tuy Phước đã phân công nhân sự phụ trách địa bàn xã, thị trấn để theo dõi, đôn đốc kịp thời quá trình giải quyết hồ sơ. Khi phát hiện hồ sơ bị “ngâm”, Chi nhánh sẽ gửi văn bản đến xã nhắc nhở, đồng thời báo cáo cho UBND huyện để có cơ sở xử lý trách nhiệm”, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lê Văn Quang cho biết thêm.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng cho rằng, kết quả giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn trên lĩnh vực đất đai ở Tuy Phước rất đáng khích lệ, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khách quan, nhất là hồ sơ giao dịch tăng rất nhanh, trong khi biên chế giảm. Tuy Phước là địa bàn “nóng”, đi cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông là giá đất tăng, bùng phát nhu cầu tách thửa, chuyển nhượng đất đai. Năm 2020, toàn huyện đã tiếp nhận đến hơn 7.000 hồ sơ trên lĩnh vực đất đai; chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2021, con số tiếp nhận cũng đã gần 1.500 hồ sơ.
“Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, tránh những sai sót có thể gây ra hậu quả về pháp lý sau này”, ông Tùng phân tích.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận, tuy tỷ lệ hồ sơ quá hạn trên lĩnh vực đất đai ở huyện đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Mối quan hệ phối hợp giữa Chi nhánh VPĐKĐĐ, Phòng TN&MT huyện và các xã, thị trấn vẫn chưa thật sự trơn tru, vẫn còn chuyển hồ sơ “lòng vòng”.
“Để tiếp tục giảm hồ sơ quá hạn, quan trọng là kiểm soát tốt “đầu vào”, hồ sơ chưa đạt phải kiên quyết trả lại. Trong quá trình giải quyết, hồ sơ nào trễ nải do người dân (nhất là trong thực hiện nghĩa vụ tài chính), dừng hồ sơ không phải lỗi chủ quan của cơ quan chức năng thì phải phân loại, thống kê chính xác, rõ ràng, làm cơ sở để xử lý”, ông Thuận nói.
“Hồ sơ quá hạn trên lĩnh vực đất đai làm ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính của huyện, đồng thời gây dư luận xấu trong nhân dân. Khắc phục tình trạng này là trách nhiệm của hệ thống các ban, ngành, địa phương, chứ không phải “chuyện riêng” của Chi nhánh VPÐKÐÐ huyện”.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước NGUYỄN ĐÌNH THUẬN
“Kết quả chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai của ngành TN&MT đến nay thể hiện rõ nhất là hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ quá hạn do lỗi chủ quan của cá nhân, đơn vị thuộc ngành. Chúng tôi cũng xử lý kiên quyết, nghiêm khắc tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình thi hành công vụ”.
Giám đốc Sở TN&MT LÊ VĂN TÙNG
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG