Ðiều tra cơ sở hành chính năm 2021: Rà soát, bổ sung chính sách quản lý, quy hoạch phát triển
Theo ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Ðiều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh - kết quả của cuộc điều tra cơ sở hành chính năm 2021 (triển khai từ đầu tháng 3.2021) có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Kết quả Điều tra CSHC năm 2021 phục vụ cho việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành, vùng.
- Trong ảnh: Trung tâm hành chính của TX Hoài Nhơn. Ảnh: N.V.T
Cụ thể, ông Lê Minh Tuấn cho hay, Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 (Điều tra CSHC) có quy mô lớn, được tổ chức nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu chi của cơ sở hành chính ở nước ta. Trên cơ sở đó phục vụ cho việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hằng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP, các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương...
● Xin ông thông tin cụ thể về đối tượng của Điều tra CSHC lần này?
- Đối tượng, đơn vị điều tra lần này gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ sở trực thuộc cơ quan hành chính có sử dụng con dấu và tài khoản riêng.
Ðiều tra CSHC tiến hành theo phương pháp gián tiếp. Theo đó, các cơ sở hành chính được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và tự cung cấp thông tin vào phiếu web-form (phiếu điều tra trực tuyến) trên Trang thông tin điện tử của Ðiều tra CSHC theo địa chỉ: cshc.moha.gov.vn. Người cung cấp thông tin ở đơn vị điều tra là lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo văn phòng cơ quan; người quản lý hoặc người phụ trách cơ sở trực thuộc cơ quan hành chính; người được ủy quyền là người có thể trả lời đầy đủ, chính xác các thông tin trong phiếu điều tra.
Cụ thể, gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và các hội, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; các cơ sở trực thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức nói trên (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp, cơ sở kinh tế). Các đối tượng điều tra, đơn vị điều tra thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ CA được thực hiện theo phương án điều tra riêng do Bộ Quốc phòng, Bộ CA xây dựng.
Các đối tượng, đơn vị điều tra thỏa mãn cả 3 điều kiện: Là nơi trực tiếp diễn ra hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; có chủ thể quản lý hoặc người chịu trách nhiệm về các hoạt động tại thời điểm điều tra; có địa điểm xác định, thời gian hoạt động liên tục.
● Với phương pháp điều tra gián tiếp, để đảm bảo thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không bỏ sót các thông tin quy định trong phương án điều tra, công tác giám sát, kiểm tra sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra CSHC năm 2021 trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất trong suốt thời gian điều tra, từ khâu lập bảng kê, tập huấn, thu thập, tổng hợp nhanh số liệu điều tra tại các địa bàn.
Nội dung giám sát, kiểm tra gồm: Giám sát, kiểm tra việc lập bảng kê các đơn vị điều tra, tổ chức các lớp tập huấn, số lượng và chất lượng phiếu, cách thức cung cấp thông tin của các cơ sở hành chính, tính logic giữa các cột, dòng, các chỉ tiêu, quan hệ giữa các biểu, kiểm tra số học, đơn vị tính, đánh mã, các thủ tục hành chính, kiểm tra thực địa tại địa bàn... Các hình thức thực hiện là kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra cấp dưới, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, kiểm tra trọng điểm, tổng kiểm tra trước khi nghiệm thu.
Nhằm bảo đảm chất lượng của thông tin thu thập tại địa bàn trước khi nghiệm thu, bàn giao, giám sát viên phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp đến một số cơ sở để kiểm tra việc thu thập thông tin, kiểm tra kết quả phiếu điều tra đã thu được cả về nội dung, phương pháp tính, tính logic, kiểm tra số học, các quy định hành chính bắt buộc (chữ ký, dấu).
Một số nội dung quan trọng trên phiếu điều tra
- Thông tin về lao động của đơn vị (phân theo loại lao động, nhóm tuổi, trình độ chuyên môn, ngạch công chức và chức năng nghề nghiệp; tình hình tinh giản biên chế trong giai đoạn 2015 - 2020).
- Thông tin về tài sản của đơn vị (tình hình đầu tư, mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định trong năm; tình hình sử dụng đất).
- Thông tin về hoạt động của đơn vị (doanh thu, chi phí hoạt động; sản phẩm vật chất và dịch vụ sản xuất ra trong năm 2020); ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động đổi mới sáng tạo...
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)