Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp 11
Trong kỳ họp cuối cùng của khóa XIV, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn một số chức danh Nhà nước, trong đó có các chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 54, sáng 15.3 khi thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Kiện toàn hàng loạt chức danh
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 12 ngày, khai mạc vào sáng 24.3 và bế mạc ngày 8.4. Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội
Theo dự kiến chương trình, từ 30.3, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và bầu nhân sự thay thế; miễn nhiệm và bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội miễn nhiệm cũng như bầu Chủ tịch nước; miễn nhiệm và bầu Thủ tướng Chính phủ.
Tân Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm cũng như bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội miễn nhiệm và bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội.
Cũng tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội.
Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của đại dịch Covid-19
Cũng tại Kỳ họp cuối cùng của Khóa XIV, Quốc hội cũng thảo luận, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó là xem xét thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị nên tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng các gói hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài và đề cập trong trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.
“Văn phòng Quốc hội đã chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ công tác phục vụ kỳ họp; trong đó đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch phục vụ kỳ họp (kể cả việc xét nghiệm SARS-CoV-2)” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)