Bộ Công Thương lý giải việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo
Theo Bộ Công Thương, việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ.
Bộ Công Thương mới đây có văn bản số 1226/BCT-ĐTĐL gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Công Thương, đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.
Việc tiết giảm cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện Mặt Trời, ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng này tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, Tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hằng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.
Theo Bộ Công Thương, đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao (thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia) nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Mặc dù Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất. Do đó, A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân trên cả nước.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và A0; trong đó yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 478/QĐ-BCT (ngày 9.2.2021) về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều công trình lưới điện truyền tải nhằm tăng cường, đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc và thường xuyên giám sát EVN và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện nhằm đảm bảo giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa việc cắt giảm các nguồn này, góp phần khai thác hiệu quả, đảm bảo lợi ích và niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)