THỰC HIỆN GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG 1 NĂM:
Không giải ngân hết, sẽ bị cắt vốn
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 1 năm, thay vì chuyển tiếp 2 năm như trước; dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân sẽ bị cắt vốn.
Công trình kè chắn sóng Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) kết hợp đường giao thông được đầu tư từ vốn đầu tư công đang đẩy mạnh thi công về đích cuối tháng 3.2021. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Quy định thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 1 năm được thực hiện theo Luật Đầu tư công 2019. Kế hoạch chi tiết đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công được Sở KH&ĐT xây dựng, UBND tỉnh thông qua tháng 3.2021. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh chuyển tiếp năm 2020 sang năm 2021 sẽ chỉ kéo dài thanh toán đến ngày 30.9. Các dự án đầu tư đã có kế hoạch vốn năm 2021, phải hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu trước ngày 31.3; đến ngày 30.6, giải ngân ít nhất 40%; đến ngày 30.9, rà soát điều chỉnh vốn dự án giải ngân kế hoạch dưới 60%. UBND tỉnh đã phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 gồm vốn Trung ương hơn 2.191 tỷ đồng, vốn nước ngoài hơn 614 tỷ đồng; giao kế hoạch vốn ngân sách tỉnh hơn 6.060 tỷ đồng.
Theo Sở KH&ÐT, đến ngày 11.3, giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 7,88%; vốn Trung ương đạt 42,72%. Ông Nguyễn Thành Hải nhấn mạnh: Trước đây, lập kế hoạch đầu tư công chủ đầu tư nào cũng muốn được bố trí càng nhiều kế hoạch vốn càng tốt, nhưng bây giờ nhiều chưa chắc đã tốt, vì không giải ngân được sẽ bị giảm trừ kế hoạch. Vì thế, các chủ đầu tư, địa phương đều phải thận trọng tính toán lập kế hoạch, bố trí vốn sát khả năng thực hiện dự án, bảo đảm giải ngân hết, hạn chế phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh và vốn Trung ương bố trí cho tỉnh.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho hay: Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, do đó, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng. Thực tế, thời gian qua, nhiều công trình, dự án trong danh mục đầu tư công đã được triển khai thực hiện, đi vào sử dụng đúng tiến độ, góp phần tạo cho tỉnh một diện mạo mới. Nhiều công trình phát huy được hiệu quả, đặc biệt những dự án giao thông tạo sự kết nối, tạo động lực trong phát triển KT-XH.
Dự án kè chắn sóng Nhơn Hải ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn được Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh triển khai tổng mức đầu tư 99 tỷ đồng, sau khi kè bị cơn bão số 5 xảy ra vào cuối tháng 10.2019 đánh sập; đến nay cơ bản hoàn thiện với chiều dài hơn 1,2 km kết hợp đường giao thông. Năm 2021, dự án tiếp tục được bố trí 10 tỷ đồng đầu tư các hạng mục hạ tầng đô thị dọc theo tuyến kè, đã giải ngân 4 tỷ đồng (40%). Công tác thi công được chủ đầu tư giám sát chặt chẽ tại công trình, đảm bảo hoàn thành cuối tháng 3.2021. Hay, dự án khắc phục hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định, tiến độ giải ngân hằng năm rất tốt, đã kịp thời tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi hư hỏng do mưa lũ; năm 2021 tiếp tục được bố trí 235 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 83,5 tỷ đồng (36%)…
Hạng mục đầu tư cầu Ngoài ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, thuộc dự án khắc phục hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định.
“Dự án đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi nông thôn đều là rất cấp thiết phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân, đòi hỏi luôn phải chạy đua tiến độ. Ngay đầu năm, chúng tôi tập trung toàn lực hoàn thiện hồ sơ lập thiết kế, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai dự án khởi công mới, dự kiến giải ngân từ tháng 5.2021. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công về đích trước hạn dự án trọng điểm bố trí vốn chuyển tiếp”, ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh, cho hay.
Năm nay, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh được bố trí kế hoạch vốn hơn 2.090 tỷ đồng đầu tư 27 dự án, chủ yếu là dự án giao thông trọng điểm. Đến cuối tháng 4, sẽ khởi công mới 3 dự án lớn: Tuyến đường trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đoạn km137+580 - km143+787, đường ven biển (phía Tây đầm Thị Nại) đoạn Cát Tiến - Gò Bồi, đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; số còn lại hoàn thiện hồ sơ thủ tục, thủ tục đấu thầu… Với các dự án tiếp tục bố trí vốn đầu tư năm 2021, ưu tiên dự án trọng điểm mở rộng đường vào sân bay Phù Cát gần 46 tỷ đồng; các dự án đường ven biển ĐT 639 đoạn Cát Tiến - Đề Gi (hơn 94 tỷ đồng), đoạn Đề Gi - Mỹ Thành (hơn 178 tỷ đồng), đoạn cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh (hơn 157 tỷ đồng)… “Vướng lớn nhất ảnh hưởng tiến độ thi công các công trình giao thông là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Năm 2021, tỉnh giao cho Ban làm giải phóng mặt bằng, giúp chủ động hơn mặt bằng thi công. Chúng tôi cũng tiến hành giao ban thi công hằng tuần, tháng, quý để rà soát, giải quyết kịp thời những vướng mắc”, ông Lê Từ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, khẳng định.
MAI HOÀNG