An Lão chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước
Những ngày giữa tháng 3, khắp huyện An Lão đâu đâu cũng là không khí hối hả làm đồng của bà con. Xen giữa những ruộng cấy lúa, bà con tích cực chuyển đổi các ruộng cạn, thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác, nhất là dưa hấu và các loại rau màu. Theo báo cáo của UBND huyện, tiếp đà thành công từ mấy năm trước trong vụ sản xuất này, toàn huyện bố trí 68,5 ha diện tích đất lúa hiệu quả kém sang canh tác các loại cây trồng khác. Chính nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu như vậy giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng một chân đất, diện tích đã cao hơn trước khá nhiều; hơn nữa còn làm phong phú thêm danh mục cây trồng của huyện, tạo được dấu ấn trên thị trường.
Chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh thích ứng với điều kiện tự nhiên tại xã An Tân.
Xã An Hòa là xã tiên phong trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Được biết, vụ này xã trồng 27 ha dưa hấu, hơn 25 ha bắp, hoa màu các loại. Đồng đất khá bằng phẳng, con đường nội đồng được cứng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con đẩy mạnh chuyển đổi.
Trên thửa ruộng rộng hơn 7 sào, gần 5 năm trở lại đây, gia đình ông Phạm Văn Cho, thôn Vạn Khánh không còn trồng lúa mà chuyển sang trồng ớt và dưa hấu. Ông Cho chia sẻ: So với trồng lúa thì trồng ớt và dưa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Vụ này, gia đình ông trồng tổng 2 sào ớt, 4 sào dưa hấu, chỉ giữ một ít trồng lúa để đảm bảo lương thực thôi.
Cũng giống như ông Cho, nhiều năm qua, gia đình ông Hồ Châu, thôn Tân Lập, xã An Tân cũng đã chuyển đổi hơn 4 sào đất lúa sang trồng dưa lê, dưa gang. Theo ông Châu, từ khi chuyển sang trồng các loại cây nói trên đã giúp gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, trồng dưa lê, dưa gang đã trở thành hướng đi mà ông và nhiều hộ dân ở xã An Tân lựa chọn để chuyển đổi. “Mấy năm nay, đầu ra của dưa lê, dưa gang ổn định, thu hoạch được bao nhiêu tư thương đều mua hết. Còn trồng rau màu cũng không lo đầu ra vì tiểu thương các chợ cũng đã đặt sẵn...” - ông Châu cho biết.
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân trên địa bàn huyện An Lão. Để ứng phó với hạn hán, việc lựa chọn giống cây trồng cạn phù hợp để chuyển đổi là rất cần thiết. Để hướng đi này thực sự hiệu quả, không chỉ các ngành chuyên môn mà cả chính quyền cơ sở cũng tích cực tập trung vận động, tuyên truyền giúp người dân thấy rõ lợi ích của việc làm này để linh hoạt trong chuyển đổi.
DIỆP THỊ DIỆU