Chuyển đổi cây lâm nghiệp trồng trên đất nông nghiệp ở Hoài Ân: Người dân chuyển đổi, huyện hỗ trợ
Ðể giải quyết tình trạng người dân trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp, huyện Hoài Ân đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý việc sử dụng đất sai mục đích, đồng thời hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, hoa màu, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Hoài Ân có 340 ha đất nông nghiệp bị người dân lấn chiếm trồng keo lai, bạch đàn. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, sử dụng đất đúng mục đích. Theo ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, để khuyến khích người dân chuyển sang trồng các loại cây khác, huyện hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật cho bà con canh tác. Đến nay, có khoảng 95% trong số 340 ha đất nông nghiệp bị lấn chiếm trồng cây lâm nghiệp đã được người dân phá bỏ, chuyển sang trồng cây ăn quả, hoa màu, giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Lỡ Ngọc Quang (thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông) chuyển hết 3 ha đất nông nghiệp vốn trồng cây keo lai sang trồng tiêu, cây ăn trái.
Ông Lỡ Ngọc Quang (thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông) có 3 ha đất nông nghiệp trồng cây keo lai. 10 năm trước, ông tự chuyển 1 ha keo sang trồng tiêu, bơ. Đến năm 2017, được huyện hỗ trợ 220 cây giống bưởi da xanh, phân bón, chi phí khoan giếng, hướng dẫn kỹ thuật, ông phá bỏ 2 ha keo còn lại để trồng bưởi da xanh. Hiện vườn bưởi da xanh đã ra trái, sẽ cho thu hoạch lứa đầu vào cuối năm nay. Ngoài ra, ông Quang còn trồng xen canh bơ, bắp, chuối, dừa xiêm; đến nay, riêng cây bơ đã cho thu hoạch đạt 2 tạ quả/cây/vụ, thu nhập 30 triệu đồng/năm. “Vườn tiêu trồng trước đó, trong quãng thời gian năm 2014 - 2015, cho sản lượng thu hoạch 2 - 2,5 tấn/ha/vụ, bán với giá từ 200 - 230 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, tôi có điều kiện xây dựng nhà mới khang trang, chi phí gần 900 triệu đồng. Với mô hình trồng cây ăn trái, trồng tiêu như hiện nay, ước tính mỗi năm gia đình tôi có lãi vài trăm triệu đồng”, ông Quang vui vẻ nói.
Nhà có 1,5 ha đất nông nghiệp, nhưng bà Phạm Thị Thu Hà (thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu) trồng keo lai trong nhiều năm liền. 9 năm trước, bà chuyển 1 ha đất trồng keo sang trồng 100 cây bưởi da xanh. Đến năm 2018, huyện hỗ trợ để bà để chuyển 0,5 ha keo còn lại sang trồng bưởi. Chỉ tay về vườn bưởi da xanh trĩu quả, bà Hà chia sẻ: “1 ha bưởi trồng trước đó đã cho thu hoạch nhiều lứa, mỗi năm thu hoạch 2 lần, sản lượng 7 - 8 tấn/năm, thu nhập gần 200 triệu đồng. Còn 140 cây bưởi huyện hỗ trợ sau này, cuối năm sau cũng sẽ cho trái. Ngoài trồng bưởi, tôi tận dụng đất vườn để thả nuôi thêm gà, vịt, heo, bò lấy phân bón cây và tăng thu nhập”.
Sự hỗ trợ của huyện Hoài Ân không những giải quyết được tình trạng người dân sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, mà còn lan tỏa, khuyến khích nhiều hộ có đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cây ăn quả để tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho biết: Cùng với việc xử lý các trường hợp vi phạm, huyện đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây hoa màu, cây ăn quả để sử dụng đất đúng mục đích, kể cả việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Huyện cũng đang hoàn chỉnh đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; trong đó, tập trung quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi tập trung; hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nghề cho nông dân; xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, thành lập các HTX chuyên ngành…
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN