Khẳng định vai trò, vị thế người đại biểu của nhân dân - Kỳ 2: Không ngừng nỗ lực, không thôi trăn trở
Thời gian 5 năm của nhiệm kỳ thật sự không dài, nhưng cũng đủ để các ban chuyên môn của HÐND tỉnh nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và để lại những dấu ấn nhất định. Song, vẫn còn đó những day dứt, trăn trở khi quyền lợi chính đáng của người dân có lúc, có nơi vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát hoạt động sản xuất nước mắm tại xã Cát Khánh (huyện Phù Cát). Ảnh: NGUYỄN HÂN
● Phó Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HUỲNH THÚY VÂN:
Nỗ lực làm tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Văn hóa - Xã hội luôn nỗ lực thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo luật định và sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh; mỗi thành viên trong Ban đều cố gắng khắc phục khó khăn để làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử.
Ban luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt chức năng giám sát. Các cuộc giám sát của Ban ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả; được tổ chức triển khai, thực hiện với quy trình chặt chẽ, khoa học. Báo cáo kết quả giám sát có cứ liệu cụ thể, chính xác, lập luận thuyết phục.
Có thể kể đến các giám sát chuyên đề như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật người có công với cách mạng; tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám, chữa bệnh; việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; quy hoạch phát triển hệ thống y tế và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Qua giám sát, Ban đã đánh giá nghiêm túc, trung thực những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Hầu hết các đề xuất, kiến nghị của Ban được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết, được các đơn vị chịu sự giám sát đồng tình, thống nhất, có biện pháp thực hiện đem lại nhiều kết quả, góp phần tác động thúc đẩy sự phát triển KT-XH ở địa phương.
Công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực của Ban đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên; các báo cáo thẩm tra của Ban đều thể hiện rõ quan điểm nhất trí hay không nhất trí, có tính phản biện cao, nêu rõ những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung.
Song, văn hóa - xã hội là lĩnh vực rất rộng nhưng một số thành viên của Ban thường chỉ am hiểu chuyên sâu lĩnh vực chuyên môn được đào tạo, phụ trách nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng gặp một số khó khăn nhất định. Trăn trở trước khó khăn, hạn chế này, chúng tôi cho rằng, cần lựa chọn các thành viên Ban là những đại biểu có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, có điều kiện, thời gian hoạt động HĐND và nhiệt huyết với công tác dân cử để nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban trong nhiệm kỳ tới.
● Trưởng Ban Pháp chế PHẠM HỒNG SƠN:
Sớm khắc phục những kẽ hở, khoảng trống của pháp luật
Có thể nói, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là quãng thời gian hoạt động sôi nổi, chất lượng của Ban Pháp chế. Hoạt động giám sát có sự đổi mới, với các nội dung trọng tâm, trọng điểm, bám sát những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm.
Một số chuyên đề giám sát đáng chú ý như: Tình hình an ninh, trật tự xã hội nông thôn; thực hiện luật và một số chính sách về quản lý, bảo vệ rừng; kết quả giải quyết tranh chấp địa giới hành chính; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, thi hành án hành chính và thi hành án dân sự; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tình hình, kết quả xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; tình hình, kết quả quản lý các chất gây nghiện và phòng, chống ma túy...
Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực của Ban; có hàng trăm kiến nghị đối với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri cũng như tham gia các kỳ họp HĐND tỉnh, tôi vẫn còn nhiều trăn trở trước nhiều vướng mắc, bất cập. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy chậm được cập nhật; danh mục chất gây nghiện chưa bổ sung kịp thời các chất mới. Hoạt động thi hành án dân sự vẫn còn những vụ việc kéo dài từ nguyên nhân chủ quan của các bên liên quan, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, việc xác định nguồn gốc đất ở một số nơi chưa có tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền địa phương...
Tôi hy vọng rằng, các cơ quan lập pháp ngày càng chú trọng hơn đến công tác ban hành pháp luật, vừa đảm bảo kịp thời, vừa phù hợp với thực tiễn, khắc phục những kẽ hở, khoảng trống của pháp luật. Chính quyền các địa phương thật sự cầu thị, đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân để tìm được sự đồng thuận, trước khi tính đến phương án cuối cùng là cưỡng chế.
● Nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách VÕ THĂNG LONG:
Tạo nguồn, tăng chất lượng đại biểu chuyên trách
Nhìn lại kết quả hoạt động thẩm tra, giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi rất vui vì đã làm được nhiều việc, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần làm nên một nhiệm kỳ thành công của HĐND tỉnh.
Về thực hiện chức năng giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện 7 chuyên đề giám sát với các vấn đề được cử tri quan tâm như: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 20/2013/NQ-HĐND ngày 11.12.2013 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp; tình hình thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước; tình hình thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; tình hình thực hiện công tác quản lý thu thuế...
Bên cạnh đó, Ban đã thẩm tra 163 báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ra nghị quyết trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Tuy số lượng báo cáo thẩm tra khá nhiều, nhưng các thành viên trong Ban và chuyên viên tham mưu, giúp việc đều rất nỗ lực, cố gắng thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục và thời gian quy định, chú trọng nâng cao chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khảo sát thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra, giám sát có lúc còn hạn chế. Công tác chuẩn bị cho hoạt động thẩm tra nhìn chung chưa công phu, có một số nội dung báo cáo thẩm tra khi thực hiện còn đơn giản, hình thức; tính phản biện và định hướng cho đại biểu HĐND tỉnh xem xét, trao đổi, thảo luận chưa cao.
Để hoạt động thẩm tra, giám sát của Ban trong nhiệm kỳ mới được tốt hơn, tôi mong muốn HĐND tỉnh cần quan tâm tạo nguồn, tăng số lượng và chất lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Quan tâm hơn về chính sách, chế độ, điều kiện hoạt động của các đại biểu HĐND; có cơ chế đảm bảo các thành viên kiêm nhiệm dành thời gian hợp lý cho hoạt động của Ban, nghiên cứu tài liệu, đi cơ sở, tham gia tích cực các hoạt động giám sát, thẩm tra.
VĂN TRANG - NGUYỄN HÂN - NGUYỄN MUỘI (Ghi)
Kỳ cuối: Đổi mới để ngày càng hiệu lực, hiệu quả