Tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi chim yến
Ông HUỲNH NGỌC DIỆP
Thời gian qua, tình trạng người dân xây dựng nhà để dẫn dụ, gây nuôi chim yến (gọi tắt là nuôi chim yến) diễn ra khá phổ biến và đã phát sinh nhiều hệ lụy. Từ ngày 20.4.2021, Nghị định 14/2021/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi sẽ có hiệu lực. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
● Bình Định là một trong những tỉnh có hoạt động nuôi chim yến phát triển mạnh ở khu vực miền Trung, ông cho biết hoạt động này diễn ra trong thời gian qua như thế nào?
- Toàn tỉnh hiện có trên 1.100 nhà nuôi chim yến đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước… Nuôi chim yến đang trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập cao, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Với nguồn lợi gần như “trời cho” nên việc phát triển nhà yến trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tăng nhanh và hầu hết là mang tính tự phát. Nhiều nhà dân đang ở, thấy chim yến xuất hiện thì biến thành… nhà yến; thực hiện mô hình “2 trong 1” theo kiểu “yến ở tầng trên, người ở tầng dưới”. Đồng thời, việc phát triển nuôi chim yến tự phát đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: Ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ chất thải, nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư. Thực tế đã có nhiều hộ dân phản ảnh đến các cấp, đề nghị giải quyết.
Trước thực trạng trên, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến và quản lý săn bẩy chim yến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 4586 ngày 9.12.2019 quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến trong tỉnh. Trong đó, tạm thời ngừng xây mới, mở rộng, nâng cấp nhà nuôi yến trên toàn bộ diện tích các phường nội thành TP Quy Nhơn, KV1 và KV2 phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn); toàn bộ diện tích phường Đập Đá, Bình Định (TX An Nhơn) và khu vực thị trấn của các huyện; các khu dân cư tập trung đô thị; các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Việc tạm ngừng tiến hành cho đến khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến tại các vùng cụ thể.
Ngoài ra, Chi cục đang tham mưu cho Sở NN&PTNT phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo “Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh” theo trình tự quy định để trình UBND tỉnh xem xét và HĐND tỉnh quyết định. Hiện nay, đang lấy ý kiến góp ý, điều chỉnh, bổ sung của các các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tiếp tục các bước tiếp theo.
Nhà nuôi chim yến ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước).
● Công tác quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến lâu nay gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng. Nghị định 14/2021/NĐ-CP có giúp cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương kiểm soát hoạt động này tốt hơn không, thưa ông?
- Đương nhiên là tốt hơn! Bởi quy định về quản lý, chế tài nuôi chim yến hiện còn chung chung, áp dụng vào thực tiễn rất khó khăn. Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực thi hành. Công tác quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến được thực hiện căn cứ theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21.1.2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Trong đó, điểm d, khoản 2, Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định: “Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ - 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút - 19 giờ mỗi ngày (trừ trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh)”.
Nhưng, từ ngày 20.4.2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi sẽ có hiệu lực. Nghị định này quy định chế tài xử phạt cụ thể; là cơ sở pháp lý giúp cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Điều 27 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý là quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm “Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định; Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định”. Đồng thời, Nghị định 14/2021/NĐ-CP còn quy định mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học. Chính phủ quy định, mức phạt trên là đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.
● Ông có thể cho biết, để hoạt động nuôi chim yến phát triển bền vững cũng như Nghị định 14/2021/NĐ-CP triển khai có hiệu quả, thời gian tới Chi cục sẽ thực hiện các giải pháp gì?
- Chi cục sẽ phối hợp với Hiệp hội Yến sào Bình Định và các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, các nhà yến tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi chim yến; cụ thể hóa các quy định, phổ biến rộng các tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Đồng thời, tham mưu đề xuất, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật xây nhà nuôi chim yến, xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về nhà yến, đảm bảo theo quy định và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Song song với đó, tích cực tuyên truyền rộng rãi các quy định của Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ và tăng cường hiệu lực quản lý. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
● Xin cảm ơn ông!
HỒNG PHÚC (Thực hiện)