Báo động án ly hôn gia tăng ở Phù Mỹ
Theo số liệu thống kê của TAND huyện Phù Mỹ, nhiều năm gần đây, đặc biệt là trong 3 năm 2018, 2019, 2020, tình trạng ly hôn ở huyện tăng mạnh, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ. Ðiều này đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Cảnh một phiên tòa xử ly hôn tại TAND huyện Phù Mỹ. Ảnh: THANH NGHỊ
Án ly hôn tăng cao
Chỉ trong một buổi sáng làm việc tại TAND huyện, người viết đã chứng kiến ít nhất 4 trường hợp đến tòa để mua đơn ly hôn. Những người đến mua thường là mua giúp cho anh/chị mình và tỏ ra vội vã, ngại nói đến việc ly hôn.
Số liệu của TAND huyện cho thấy, trong các vụ án ly hôn được thụ lý và giải quyết hằng năm, có hơn một nửa là các cặp vợ chồng có con dưới 7 tuổi; đồng nghĩa mỗi năm huyện có cả trăm trẻ em mất đi gia đình với đủ cha, mẹ.
Theo số liệu tại TAND huyện, trong 3 năm gần đây, số án ly hôn tăng và chiếm tỷ lệ rất cao trong án dân sự. Như năm 2018, tòa thụ lý giải quyết 323 vụ án ly hôn trong tổng số 509 vụ án dân sự. Con số này năm 2019 là 324/422, năm 2020 là 311/501. Điều đáng nói, các vụ án ly hôn tập trung ở các đôi vợ chồng trẻ. Ông Đỗ Đức Chính, Thư ký TAND huyện, cho biết: “Có đến 80% số vụ rơi vào các cặp vợ chồng từ 18-40 tuổi, nhiều nhất là dưới 30 tuổi, mới cưới được vài năm, cá biệt có một số trường hợp cưới chưa đầy năm cũng kiên quyết ly hôn”.
Như trường hợp của chị Trần Thị L. (18 tuổi, xã Mỹ Lợi), kết hôn với anh Đặng Minh Ph. (xã Mỹ An) khi cả hai là công nhân một công ty ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi cưới, có thai, chị L. về quê chờ ngày sinh. Không hiểu nhau, lại ở xa, hai vợ chồng nghi kỵ, thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã; sinh con được mấy tháng thì chị L. nộp đơn ly hôn. “Vợ chồng bỏ nhau xong, con biết đi là mẹ nó giao luôn cho tui nuôi, để vào Sài Gòn đi làm kiếm tiền gửi về nuôi con. Cũng khuyên nhủ đủ cả, nhưng chúng nó quyết ly hôn, giờ chỉ tội cho con nhỏ mới 1 tuổi đầu đã thiếu vắng cha lẫn mẹ”- bà Lê Thị T. (mẹ chị L.) vừa chơi với cháu vừa tâm sự.
Theo thẩm phán Võ Bá Tùng, người trực tiếp thụ lý các vụ án ly hôn tại TAND huyện, trong các vụ án hôn nhân, phụ nữ đứng đơn ly hôn chiếm trên 70% các vụ án được thụ lý. Trong đơn, các cặp vợ chồng đều khai rất chung chung là không hợp nhau, không thống nhất quan điểm... Nhưng trong quá trình giải quyết, tòa nhận thấy nguyên nhân cụ thể như: Vì điều kiện kinh tế, chồng (vợ) đi làm xa, thiếu sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; do một trong hai bên vi phạm Luật Hôn nhân gia đình; do chồng hoặc vợ (thường là chồng) không chí thú làm ăn, nhậu nhẹt, cờ bạc, sinh nợ nần; do bạo lực gia đình… Đa phần rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ nhau và thiếu trang bị kiến thức, kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân; trong quá trình chung sống xảy ra mâu thuẫn, không biết cách giải quyết. “Tình trạng ly hôn đang diễn ra ở hầu khắp địa bàn, đối tượng, nhưng tập trung nhất là lao động trẻ, đi làm ăn xa, kết hôn trong thời gian ngắn. Điều làm chúng tôi ray rứt nhất là đã có rất nhiều trẻ em bị ảnh hưởng, để lại hệ lụy xã hội”, thẩm phán Võ Bá Tùng chia sẻ.
Tăng cường nhiều biện pháp
Theo thư ký Đỗ Đức Chính, ngay sau khi tiếp nhận án hôn nhân, những người có chức năng tiến hành tìm hiểu, chủ động khơi gợi, lắng nghe, vận động, thuyết phục, hòa giải, cuối cùng mới giải quyết ly hôn. Không giải quyết khi các đương sự đưa ra quyết định lúc nóng giận hay chỉ vì những bất đồng nhỏ. Việc ly hôn tuy pháp luật cho phép, tiến hành thuận lợi nhưng không phải trường hợp nào cũng được tòa chấp nhận dễ dàng. Kéo dài thời gian xử lý án trong khung thời gian cho phép cũng là cách để các bên có cơ hội hàn gắn. Trong năm 2019, có 92/324 vụ án ly hôn bị đình chỉ do hòa giải thành và do đương sự rút đơn, chiếm tỷ lệ 28,4%. Năm 2020 là 91/311 vụ, chiếm tỷ lệ 29,3%.
Tuy nhiên, thực trạng án hôn nhân gia tăng là hồi chuông báo động cho thấy “tế bào của xã hội” đang có dấu hiệu suy yếu và công tác gia đình cần được quan tâm hơn.“Bản chất của ly hôn không xấu, nhưng tình hình gia tăng án hôn nhân trong những năm gần đây, đặc biệt ở các cặp vợ chồng trẻ, để lại hệ lụy và ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của địa phương, là vấn đề các cấp, ngành cần xem xét và có hướng tháo gỡ kịp thời”, thẩm phán Võ Bá Tùng trăn trở và kiến nghị.
Theo ông Tùng, để giảm tỷ lệ phát sinh án hôn nhân ở địa phương, việc tạo điều kiện về việc làm, ổn định kinh tế cho người dân là rất cần thiết. Cùng với đó, tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư để hỗ trợ, giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình. “Mỗi gia đình, các hội - đoàn thể, nhất là hội phụ nữ và đoàn thanh niên, chú trọng trang bị cho con cái, hội viên, đoàn viên kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trước khi lập gia đình, nhằm tăng cường “sức đề kháng” của người trẻ trước những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và biết trân trọng giá trị của gia đình”, thẩm phán Võ Bá Tùng nhấn mạnh.
THANH TRỌN - SAO LY