Xây dựng Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc
Xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của nhân dân Bình Định, đồng thời thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, sáng mai (22.1), UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn).
Di tích nhiều giá trị
Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy), thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được bổ nhiệm làm tri huyện từ tháng 7.1909 đến tháng 1.1910. Tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu khác nhau của các nhà nghiên cứu ở khắp nơi, cũng như qua các đợt điền dã của cán bộ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh khi gặp gỡ một số người cao tuổi ít nhiều có quan hệ thân thuộc với quan huyện Nguyễn Sinh Huy; tất cả đều đánh giá ông là một nhà nho thanh liêm, chính trực, luôn sẵn sàng đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm bọn cường hào áp bức dân lành.
Phối cảnh tổng thể Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Tại Huyện đường Bình Khê, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên hành trình vào Nam đã đến thăm cha và lưu lại một thời gian. Những ngày tháng ít ỏi được sống gần cha ở Bình Định, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có dịp chứng kiến và học hỏi ở cha trong xử lý công việc. Những ấn tượng về vùng đất “địa linh nhân kiệt” Tây Sơn - Bình Định cũng đã góp phần thôi thúc, động viên anh Nguyễn Tất Thành tiếp tục nuôi chí lớn để bước vào cuộc hành trình vạn dặm đầy gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân. Rời xa vùng đất Bình Khê đã hơn 40 năm nhưng cảnh vật và con người vẫn in đậm trong ký ức Bác Hồ. Có dịp gặp mặt các đại biểu huyện Bình Khê vào đầu mùa Xuân năm 1955, Người đã hỏi: “Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa mưa vẫn cứ để lại rõ ràng trên các bờ cây bên sông? ” (ký sự Quê hương người áo vải, Mai Khắc Ứng).
Huyện đường Bình Khê đã được đề cập đến trong rất nhiều tư liệu, sách báo và các bài nghiên cứu tại các cuộc hội thảo khoa học vì gắn liền một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Đến năm 2000, Huyện đường Bình Khê đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Di tích gốc của Huyện đường Bình Khê hiện nay gần như không còn gì, ngoài dấu tích giếng nước và nền nhà. Tuy nhiên, những câu chuyện kể đầy kính ngưỡng về cha con Bác Hồ vẫn được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều đời. Những năm qua, lễ cúng Thanh Minh của thôn Thượng Giang, xã Tây Giang đều tổ chức tại một địa điểm ý nghĩa là khu vực phía trước tấm bia di tích Huyện đường Bình Khê, để mọi người cùng bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ.
Mong đợi có một công trình xứng tầm được đầu tư xây dựng tại địa điểm di tích để mọi người khắp nơi biết đến, tìm về tưởng niệm cha con Bác Hồ nhiều hơn. Đó là tâm sự chung của người dân thôn Thượng Giang chia sẻ với chúng tôi. Mong mỏi của đông đảo người dân trở thành niềm vui khi sáng nay (22.1), lễ khởi công công trình Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê được tiến hành. Công trình sẽ được xây dựng theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo quy hoạch, trên cơ sở tổng diện tích khu đất là 2,61 ha, Khu lưu niệm được chia làm hai: Khu vực bảo tồn di tích gốc sẽ tiến hành trùng tu, xây dựng các hạng mục mái che bảo vệ giếng nước, nền nhà Huyện đường Bình Khê cũ; xây dựng hệ thống sân vườn, đường nội bộ và trồng cây xanh tạo cảnh quan. Khu vực xây dựng mới nhằm nâng cao giá trị khu di tích phục vụ tham quan du lịch, sẽ gồm các hạng mục chính: đền thờ, nhà lưu niệm, huyện đường phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định trong giai đoạn cụ Nguyễn Sinh Huy làm quan), nhà bia di tích. Ngoài ra, còn có nhiều hạng mục phụ trợ hạ tầng kỹ thuật gồm cổng vào, tường rào, quảng trường, hồ sen, bình phong, cột cờ, nhà bảo vệ và tiếp khách, bãi đậu xe....
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Đây là công trình hết sức ý nghĩa nên nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Sau khi hoàn thành, Khu tưởng niệm sẽ tạo nên một điểm du lịch “về nguồn” có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, cổ vũ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tham gia xây dựng quê hương. Việc xây dựng Khu tưởng niệm cũng nằm trong định hướng thời gian sắp đến di tích Huyện đường Bình Khê sẽ được đề nghị lên Bộ VH-TT&DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia”.
HOÀI THU