Triệt phá kho hàng giả, hàng nhái lớn nhất miền Bắc
Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) vừa triệt phá kho hàng chứa 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu nổi tiếng, phải dùng tới 10 ô tô tải trọng 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm.
Kho hàng chứa khoảng 30.000 sản phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh: dms.gov.vn
Tổng cục QLTT cho biết, sau gần 6 tháng trinh sát, ngày 17.3, Tổ công tác 368 phối hợp với Cục QLTT Nam Định và PC03 (Công an tỉnh Nam Định) ập vào kho tàng trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại (xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản).
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, tại kho hàng rộng hơn 500 m2 này có tới 30.000 sản phẩm vi phạm. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng trị giá khoảng 6 tỷ đồng này. Người đại diện kho hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.
Đại diện Tổ công tác 368 cho biết, việc trinh sát và bắt giữ kho hàng này mất rất nhiều công sức, vì đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác nhau được thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo, chặn tài khoản vì vi phạm.
Một thủ đoạn tinh vi khác phải kể đến trong vụ việc này, đó là đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm, nhưng thực chất, cửa hàng này không có bất cứ sản phẩm nào. Toàn bộ hàng hóa được chứa trữ tại kho hàng ở thôn Đại Lại. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Hiện lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra, từ đó xử lý theo quy định.
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm đếm mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại huyện Đông Anh. Ảnh: dms.gov.vn
Tương tự vụ việc trên, chiều 16.3, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã đột kích cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại số 19 Nhân Hòa (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) và phát hiện tại cơ sở này có hơn 16.000 sản phẩm mang nhãn hiệu BIBOP và nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác giá trị khoảng 4,3 tỷ đồng.
Chủ cơ sở không cung cấp được giấy tờ liên quan đến những sản phẩm trên; khai nhận, toàn bộ số hàng trên là mua của Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư thương mại Quốc Đạt.
Đại diện Đội QLTT Số 17 cho biết, trên sản phẩm có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài, có mã vạch là đầu số 49 (của Nhật Bản). Sản phẩm được dán nhãn phụ thể hiện tên và địa chỉ của công ty và ghi Made in Japan, nhưng khi kiểm tra lại thông tin thì công ty không có thật. Ngoài ra, nhãn trên bao bì ngoài (thùng to đựng nhiều sản phẩm) thì ghi Made in China. Toàn bộ các sản phẩm tại đây đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo Chinhphu.vn