Kết tinh trí tuệ tập thể, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên
Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhất là các nhà nghiên cứu. Ngay sau Hội nghị, PV Báo Bình Ðịnh đã ghi nhận một số ý kiến đánh giá, nhận định về Nghị quyết.
* Th.S LÊ VĂN MINH, Trưởng khoa Xây dựng Ðảng (Trường Chính trị tỉnh):
Nghị quyết có giá trị lý luận và thực tiễn rất cao
Trực tiếp tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi có thêm những góc nhìn sâu sắc hơn về giá trị của Nghị quyết.
Có thể khẳng định, Nghị quyết đã tổng kết và nêu bật những kết quả to lớn, đáng tự hào trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, song cũng mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Từ đó, tổng kết và chỉ rõ những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cao, đặc biệt là bài học về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và bài học về đoàn kết, vận động nhân dân.
Đáng chú ý, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, phương hướng, 5 trụ cột tăng trưởng; xác định rất đúng và trúng 3 khâu đột phá tạo động lực trong 5 năm tới.
Nghị quyết và các văn kiện được thông qua tại Đại hội là sản phẩm kết tinh trí tuệ, thể hiện ý chí, khát vọng cháy bỏng, quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà. Mục tiêu cao nhất là “tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo”. Đó là cơ sở quan trọng để phát triển tỉnh Bình Định nhanh, toàn diện và bền vững theo định hướng XHCN trong giai đoạn mới của thời đại.
* TS VÕ NGỌC ANH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh:
Sức bật từ 5 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá chiến lược
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra phương hướng, mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025, thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Tôi cho rằng, nếu huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tỉnh Bình Định sẽ nâng cao được chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng nhanh và bền vững, đúng với phương hướng, mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Bên cạnh đó, có thể thấy, tiềm năng phát triển của Bình Định còn thể hiện ở dư địa rất lớn để thu hút dòng vốn đầu tư mới trong phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch biển, dịch vụ logistics… Đồng thời, có khả năng huy động nguồn lực đầu tư có trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cửa ngõ phía Tây và phía Bắc tỉnh để hình thành các trung tâm phát triển mới ở huyện Tây Sơn và TX Hoài Nhơn.
Để hiện thực hóa mục tiêu, đưa Nghị quyết vào thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc triển khai Nghị quyết. Đặc biệt, cần bám sát vào 5 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết đã đề ra và 7 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển cụ thể, có tính khả thi cao.
* Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) DƯƠNG VĂN KHANH:
Nghị quyết chỉ đường cho phát triển bền vững
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra các nhiệm vụ, giải pháp rất sát hợp với thực tiễn, là “kim chỉ nam” để các đảng bộ vận dụng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần đưa địa phương phát triển bền vững.
Chúng tôi rất tâm đắc với nội dung của trụ cột tăng trưởng thứ nhất về phát triển công nghiệp của Nghị quyết: Phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”. Trong giải pháp về phát triển kinh tế bền vững đối với khu vực đồng bằng, trung du, cũng nêu: Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.
Vận dụng những quan điểm chỉ đạo này, xã Nhơn Lộc đã đề ra các giải pháp để phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người dân, góp phần vào mục tiêu sớm đạt tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Cụ thể, địa phương đã có kế hoạch để thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; khuyến khích người dân mở rộng các ngành nghề, các loại hình dịch vụ; thành lập mới các HTX sản xuất và kinh doanh mặt hàng rượu Bàu Đá, bánh tráng Trường Cửu…
Xã Nhơn Lộc cũng rất quan tâm đến những nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thể hiện tại Nghị quyết nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển.
MAI LÂM - NGUYỄN MUỘI (Ghi)