Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Với mong muốn phát triển sản phẩm bánh cốm truyền thống của địa phương, chị Huỳnh Thị Tuyết Nga ở thôn Xuân An, xã Cát Tường, huyện Phù Cát đã đầu tư máy móc nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Gia đình chị Nga đã trải qua nhiều thế hệ làm bánh cốm cho biết, cách làm rất đơn giản với nguyên liệu gồm có gạo, đường, mạch nha, bắp và dầu ăn, tất cả đều có sẵn tại địa phương.
Trước đây, tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công, nhất là khâu làm cốm gây nên tiếng nổ rất to và sản lượng cung cấp ra thị trường cũng không nhiều. Với quyết tâm theo nghề, năm 2017, chị đầu tư máy móc thiết bị, nhờ đó chất lượng và số lượng sản phẩm đều tăng hơn.
Đến tháng 6.2020, được sự khuyến khích, ủng hộ của các sở, ngành, chị Nga thành lập HTX Sản xuất TM-DV Phong Nga có 7 thành viên, với vốn điều lệ là 300 triệu đồng.
Hiện HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, với mức lương từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh sản phẩm bánh cốm, HTX cũng đang đẩy mạnh sản xuất bánh gạo lức đang được tiêu thụ ở siêu thị Co.op mart, BigC và các tỉnh thành như Huế, Gia Lai, Lâm Đồng. Dự kiến, năm nay HTX sẽ tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để đưa thương hiệu vươn xa hơn.
Sản phẩm bánh cốm và bánh gạo lức đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương đang được tỉnh quan tâm, khuyến khích và là hướng đi cần thiết để chất lượng, giá trị những sản phẩm này được nâng cao hơn khi đến với người tiêu dùng.
PHAN TUẤN (thực hiện)