Từ bóng mát của cội nguồn
Phát huy truyền thống dòng họ, vun xới gốc rễ cội nguồn vốn là một nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt. Ở người Việt là thế, và ở Bình Định cũng không khác. Chẳng thế mà, mấy năm trở lại đây, không ít ngôi từ đường được xây dựng mới, khá công phu. Nhưng chuyện từ những ngôi từ đường ấy mới là điều khiến chúng tôi muốn kể lại…
1.
Thoạt trông, từ đường họ Nguyễn Gia ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, không khác những ngôi nhà bình thường khác. Nhưng bước vào trong, ta mới cảm nhận sự đầm ấm của cội nguồn. Nếu không được nghe giới thiệu trước, khó hình dung đây là từ đường của một dòng họ đã định cư ở mảnh đất Nhơn Lý này từ ngót 400 năm trước, đến nay đã có 13 thế hệ. Chỉ riêng ở Nhơn Lý họ này đã có tới 2.800 người, chiếm 1/4 dân số toàn xã. Đó là chưa tính đến hai chi phái ở Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn và huyện Xuân Lộc, tỉnh Phú Yên. “Mỗi khi bước chân vào dưới mái những từ đường dòng họ, trong chúng tôi luôn dâng lên cảm giác thành kính và tri ân những tiên tổ đã về đây dựng nghiệp và trao truyền cho con cháu tinh thần hiếu học, ham lao động và gầy dựng sự nghiệp bằng chính trí, lực của mình”, anh Nguyễn Kim Chức, cháu đích tôn dòng họ Nguyễn Gia, tâm sự.
Điều đáng nói, dưới mái ấm cội nguồn mang tên từ đường của dòng họ, tộc họ Nguyễn Gia đã tiếp nối và bồi đắp truyền thống hiếu học của tộc họ. Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Gia – xã Nhơn Lý được thành lập ngày 22.5.2004, trở thành hạt nhân cho phong trào khuyến học của dòng họ. Năm 2013, chi hội có 190 hội viên; nhiều con em trong gia tộc có trình độ đại học, cao đẳng và sau đại học, có việc làm và ngành nghề ổn định.
2.
Đi dọc đất Võ, chúng ta sẽ bắt gặp không ít những mái từ đường đầm ấm với lớp lớp trầm tích truyền thống như thế. Tại từ đường tộc họ Trần ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) - một dòng họ vốn có truyền thống trọng học, nhiều người học rộng biết nhiều, nay khá nổi tiếng với phong trào khuyến học, khuyến tài, ông Trần Bùi Nghê, tộc trưởng kiêm chi hội trưởng chi hội khuyến học họ Trần, cho biết, từ thế kỷ 16, người họ Trần đã đến lập nghiệp tại làng Cảnh Vân (nay là thôn Cảnh An, xã Phước Thành). Nay, họ Trần đã phát triển đến đời thứ 13 với khoảng 300 hộ gia đình sinh sống trong và ngoài nước.
Ngày giỗ tổ họ Trần - Cảnh Vân nhằm vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm, người trong họ gần như ai cũng cố gắng sắp xếp để về tụ họp dưới mái từ đường. Trần tộc Đại tôn từ đường được sáng lập từ năm 1916 là nơi lưu giữ những thành tích khoa bảng, đỗ đạt của bậc tiền nhân, như lời nhắc nhở hậu bối gắng công thành tài, làm người có ích. Giáo sư - viện sĩ Trần Đình Sơn (1939-2012), một trong những nhà khoa học có tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử hạt nhân ứng dụng cho y học, đã có sáng kiến vận động thành lập Quỹ học bổng của Trần tộc Đại tôn từ đường. Đến nay, chi hội khuyến học tộc họ Trần đã hỗ trợ hàng trăm suất học bổng cho con em của tộc họ với số tiền trên 150 triệu đồng.
Giáo sư Trần Đình Sơn, sinh thời dù du học, sống và làm việc tại Pháp nhưng vẫn giàu lòng yêu nước, yêu dân tộc, đau đáu nỗi niềm của một chiếc lá xa cội, để rồi khi qua đời, thực hiện di nguyện của ông, gia đình và tộc Trần - Cảnh Vân đã đưa thi hài ông từ Paris về an táng tại Núi Thơm, thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Những câu chuyện về Giáo sư Trần Đình Sơn giờ đây đã thành “truyền kỳ” mà con cháu họ Trần thường nhắc nhở để noi gương.
3.
Đến đất Tây Sơn, chúng ta hãy dừng chân ở từ đường Võ Văn Dũng, một danh tướng của phong trào Tây Sơn. Ngôi từ đường được xây dựng ngay trên quê hương ông, nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú.
Theo sách “Bình Định danh thắng và di tích” soạn trên cơ sở những tài liệu cũ, thì tổ của họ Võ ở Phú Mỹ là Võ Văn Của, vốn quê gốc ở Nghệ An, di cư vào Nam từ thế kỷ 17, đến lập nghiệp ở thôn Phú Lộc, ấp An Tư, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn. Đến thời thứ hai là Võ Văn Thọ, người đã xuất tài lực tổ chức việc đắp đập Lộc Đổng và tham gia đắp nhiều đập khác dẫn nước vào đồng ruộng. Đời thứ ba là Võ Văn Khanh, kết duyên cùng Nguyễn Thị Điểm, sinh hai nam là Võ Văn Chỉnh và Võ Văn Dũng.
Hàng năm đến ngày mùng 8.2 âm lịch, con cháu dòng tộc Võ lại tập trung về đây, làm giỗ Võ Văn Dũng, để tưởng nhớ tổ tiên, cũng là để tưởng nhớ một vị tướng lỗi lạc đã có những đóng góp xuất sắc đối với phong trào Tây Sơn, với dân tộc, làm rạng danh họ mạc, xóm làng, làm rạng danh quê hương Bình Định.
Cách không xa từ đường Võ Văn Dũng là từ đường Đô đốc Bùi Thị Xuân và đền thờ bà, một danh tướng khác của phong trào Tây Sơn; rồi “cây me cũ, bến trầu xưa”, đình làng Kiên Mỹ và điện thờ Tây Sơn tam kiệt… Những ngôi từ đường như thế đã vươn ra ngoài tầm ảnh hưởng trong một dòng họ, trở thành chốn thiêng liêng để những người dân Việt tìm về tưởng nhớ, tự hào.
4.
Mỗi ngôi từ đường như thế, dù to hay nhỏ, được xây dựng hoành tráng hay khiêm tốn, thì điều đáng trân trọng vẫn là, mỗi khi bước chân vào đó, ta như được tỏa bóng mát, tiếp thêm nguồn lực tinh thần từ tổ tiên mình. Để ta hiểu, thật sâu, điều thiêng liêng của hai tiếng nguồn cội.
Cảm tạ tiền nhân đã tạo dựng nên những bóng mát cội nguồn như thế.
“Về quê, còn khoái đi lên từ đường vào sáng mồng 1 và ngày tế hiệp 12 tháng Giêng. Anh em bà con về cúng tế tổ tiên, sau này còn thêm nhánh họ Trần của đệ nhị đại tổ và đệ tam đại tổ từ Mỹ Á, Phú Hiệp (Phú Yên) về với Mạnh phái Cảnh Vân, càng thêm rôm rả. Thích thấy các cụ khăn đóng áo dài, khởi chinh cổ và nghe chú Hai Thơm đọc văn tế giọng xưa thiệt đã tai… Quê nội dẫu sao vẫn là niềm khao khát trở về, là nơi ta biết ơn tổ tiên ông bà gây dựng cơ nghiệp cho con cháu ngày càng phát triển, mở nghiệp về sau. Nơi ấy, mình có thể tự hào khi nghe ai nhắc đến tộc họ Trần, đến ông nội, các chú, các cô... với sự nể phục truyền thống, nếp gia tộc. Và tự nhủ mình đừng phụ lòng tiền nhân!”.
(Trích từ tranhanam.vnweblogs.com. Anh Trần Hà Nam là một người con của tộc Trần - Cảnh Vân ở xã Phước Thành, hiện là giáo viên Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn)
NAM SƠN - THU HÀ