Hàng trăm người dân bị ngộ độc ở huyện Tây Sơn: Cơ quan chức năng vào cuộc xác định nguyên nhân
Những ngày qua, tại hai xã Bình Tường và Vĩnh An (thuộc huyện Tây Sơn) đã có hàng trăm người dân bị ngộ độc. Người dân nghi ngờ nguyên nhân của vụ việc do nguồn nước không đảm bảo. Làm việc với phóng viên Báo Bình Ðịnh vào chiều 20.3, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết, hiện tình hình tại hai địa phương đã ổn định, nguyên nhân của vụ việc phải chờ kết quả xét nghiệm mới có đánh giá chính thức.
Hàng trăm người dân bị ngộ độc
Sáng 20.3, phóng viên có mặt tại hai xã Bình Tường và Vĩnh An để tìm hiểu sự việc. Ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Tường, xác nhận: Từ ngày 17.3 đến nay, trên địa bàn xã có hơn 300 người dân đột ngột bị các triệu chứng đầy bụng, nôn ói, tiêu chảy; trong đó đa số là các em học sinh. Tiếp xúc với người dân hai địa phương, họ đều bày tỏ sự lo lắng về tình trạng này. Bà Trần Thị Minh (74 tuổi, thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường), cho biết: “Ở nhà tôi ăn uống cũng bình thường, tự dưng 3 ngày trước thì bị đau bụng. Sau đó ăn gì cũng ói ra hết. Hoảng quá, người nhà mới chở xuống bệnh viện khám rồi nhập viện. Sau đó, tôi cũng thấy có nhiều người ở gần nhà cũng bị như tôi rồi nhập viện”. Bà Mạc Thị Châu (66 tuổi, thôn Hòa Trung, xã Bình Tường), cũng không giấu được sự lo lắng: “Không biết do thời tiết nắng nóng hay nước uống mà mấy ngày nay hai vợ chồng tôi đều bị chướng bụng và buồn nôn. Khu vực này nhiều người bị lắm, người nặng thì đi bệnh viện, nhẹ thì tự mua thuốc uống. Mong sao cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân để bà con an tâm”.
Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại TTYT huyện Tây Sơn vào sáng 20.3.
Ông Huỳnh Bá Thịnh, Phó Giám đốc phụ trách TTYT huyện Tây Sơn, cho biết: Chiều 17.3 trên địa bàn xã Bình Tường có 154 người (151 học sinh ở các trường và 3 người dân) xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu; 8 ca nhập viện tại Khoa Nhi. Đến ngày 18.3, có 44 học sinh và 13 người dân của xã Vĩnh An bị triệu chứng trên; xã Bình Tường tiếp tục có 71 học sinh và 49 người dân. Đến ngày 19.3, con số người dân và học sinh bị các triệu chứng trên tiếp tục tăng lên thêm 52 trường hợp. Đến sáng 20.3, có 9 trường hợp nhập viện vì đầy bụng, nôn ói; trong đó 8 trường hợp sức khỏe ổn định và xuất viện.
“Qua điều tra tại các trường, học sinh đều có uống chung nguồn nước; một số em có ăn sáng hoặc ăn vặt tại các quán trước trường. Các ca bệnh này đều có triệu chứng lâm sàng đau bụng, buồn nôn 2 - 3 lần/ngày, đau đầu nhẹ”, ông Thịnh, chia sẻ.
Do nghi ngờ nguồn nước máy nên hiện nhiều người dân trên địa bàn hai xã trên không dám sử dụng nước máy do Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Vĩnh An - Bình Tường cung cấp mà mua nước bình với giá cao để sử dụng.
Chưa thể khẳng định nguyên nhân do nguồn nước?
Ông Huỳnh Bá Thịnh thông tin thêm: Các ca bệnh đều ở thể nhẹ, khi lực lượng y tế đi kiểm tra dịch tễ thì các triệu chứng đã hạn chế nên không thể lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Đồng thời, các hàng quán rong đã dọn hết nên ngành chức năng cũng không lấy mẫu thức ăn để kiểm tra. Đây là hai khó khăn lớn trong việc xác định nguyên nhân của vụ việc. Các ngành chức năng đã lấy các mẫu nước tại Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Vĩnh An - Bình Tường, các điểm trường học và một số gia đình có người mắc triệu chứng ngộ độc để đi xét nghiệm. Dựa vào yếu tố dịch tễ, lâm sàng thì có nhiều nguyên nhân; trong đó nguồn nước cũng là một yếu tố được nghĩ đến.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy), cho biết: Hệ thống xử lý nước của nhà máy có công trình đầu mối lấy nước tự chảy trên Thác Đổ (xã Vĩnh An). Tại đây có hệ thống sơ lắng lọc cát để ngăn ngừa tạp chất. Nước sau khi về nhà máy sẽ qua hệ thống bể lắng 300 m3. Sau đó nước đưa qua bể xử lý nước sạch (có sử dụng các sản phẩm để keo tụ các tạp chất bẩn); rồi xử lý vi khuẩn, vi sinh bằng Clo trước khi bơm ra hệ thống mạng để cấp nước cho người dân sử dụng.
“Ngay từ khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã cử lực lượng lên xác minh và lấy mẫu nước kiểm tra, sang tuần sẽ có kết quả. Hiện nay, chúng tôi vẫn cấp nước bình thường và tăng cường công tác quản lý, giám sát trên hệ thống đầu mối. Do chưa có kết quả xét nghiệm nên không thể khẳng định nguyên nhân ngộ độc là do nguồn nước từ nhà máy”, ông Minh chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết: Ngày 19.3, đoàn công tác của huyện đã đi kiểm tra thực tế tại 2 xã trên và Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Vĩnh An - Bình Tường. Đặc biệt, qua kiểm tra tại thượng nguồn nơi cung cấp nước cho nhà máy (từ thác 2 đến thác 5 của Thác Đổ) không phát hiện dấu hiệu bất thường. Phải chờ các cơ quan chức năng công bố kết quả kiểm tra mẫu nước, từ đó mới có căn cứ xác định chính thức được nguyên nhân của sự việc trên. Huyện đã chỉ đạo chính quyền 2 xã trên, nhất là Ban giám hiệu các trường tuyên truyền không gây hoang mang trong dư luận. Đồng thời, khuyến cáo người dân, học sinh thực hiện biện pháp ăn chín uống sôi; lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC