Tôn vinh Chí sĩ - nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ
Trên mảnh đất Bình Định giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động và xây dựng nhiều công trình nhằm hướng về cội nguồn, tôn vinh quá khứ vẻ vang của cha ông mà từng thế hệ đã dày công vun đắp. Điều đó chẳng những nói lên lòng tự hào và biết ơn tiền nhân mà còn góp phần đắc lực vào tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước của thế hệ hôm nay và mai sau. Những hoạt động tôn vinh Chí sĩ Tăng Bạt Hổ vừa qua là một điển hình.
1.
Tăng Bạt Hổ là một bậc hào kiệt, một nhà yêu nước nhiệt thành. Suốt đời mình, ông nỗ lực cho một lý tưởng cao cả - lý tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, cùng các đồng chí giành lại nền độc lập cho quốc gia và đưa đất nước ta tiến lên theo hướng đi tiến bộ của Nhật Bản bấy giờ. Hai năm cầm quân chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương yêu nước, hai mươi năm bôn ba hải ngoại, ba năm trực tiếp hoạt động trong phong trào Đông Du, Tăng Bạt Hổ giữ vai trò quan trọng trong phong trào yêu nước ở giai đoạn bấy giờ.
Có thể nói, 20 năm hoạt động ở nước ngoài, tìm phương cứu nước, Tăng Bạt Hổ đã thổi vào Duy Tân Hội một luồng gió mới. Chính ông là người góp phần quan trọng trong việc mở ra cho phong trào Đông Du một phương hướng hoạt động trọng yếu của tổ chức Duy Tân Hội đã có hồi bấy giờ.
Cuộc đời nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ là một chuỗi hành trình hoạt động sôi nổi, miệt mài nhằm mục đích đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Tăng Bạt Hổ tích cực tham gia các phong trào Cần Vương - Duy Tân - Đông Du, ông là người có đóng góp vào hàng lớn nhất cho các phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
2.
Để tưởng nhớ ông, năm 2001, tại khu đất Gò Điếm (nguyên là đất của dòng họ Tăng, thuộc làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) được quy hoạch lấy một phần diện tích là 5.256 m2 xây dựng khuôn viên khu Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ. Đền thờ đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích năm 2003.
Những năm qua, nơi đây là điểm đến thăm viếng, chiêm bái của nhân dân địa phương, một địa chỉ tham quan của du khách trong và ngoài nước. Đây là một địa điểm sinh hoạt ngoại khóa, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tìm hiểu lịch sử địa phương của thanh thiếu niên, học sinh trong tỉnh. Với ngành du lịch, đây là điểm đến quan trọng trong tuyến tham quan Bình Định của du khách trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đến thăm viếng Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ mỗi khi có dịp về công tác ở tỉnh. Hàng năm, vào ngày 27 tháng Chạp (âm lịch), nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức giỗ ông theo nghi thức truyền thống.
Năm 2013, công trình Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ được tôn tạo, nâng cấp các hạng mục: đền thờ chính, sân vườn, tường rào cổng ngõ, đưa một phần đất mộ và rước vong Chí sĩ Tăng Bạt Hổ từ khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở thành phố Huế về phục dựng mộ Tăng Bạt Hổ tại khu di tích Đền thờ, với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân đang lập quy hoạch tiếp tục tôn tạo và mở rộng tổng diện tích khu di tích Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ lên 10.900 m2 trình các cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Để vinh danh nhà chí sĩ yêu nước xứng tầm, và cũng là để xác lập những cơ chế nhằm bảo vệ và phát huy di tích trong đời sống hiện tại và bảo tồn lâu dài, ngày 26.8.2013 Bộ VH-TT-DL đã có Quyết định công nhận Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
3.
Di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ là nơi ghi nhớ công lao đóng góp của ông đối với sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta, đồng thời nêu cao tấm gương anh hùng hào kiệt tận tụy vì nước vì dân để các thế hệ mai sau học tập noi theo. Di tích có giá trị nghiên cứu giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, từ đó động viên họ phát huy sức lực và trí tuệ đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh giá trị nghiên cứu giáo dục, di tích còn có giá trị nghiên cứu lịch sử, các địa danh: Gò Điếm, hòn Tổng Dinh, hòn Kho, gò Bố… là những di tích lịch sử trên quê hương Hoài Ân một thời gắn với những hoạt động trong phong trào Cần Vương chống Pháp của Tăng Bạt Hổ. Đây là những cơ sở xác thực để các nhà nghiên cứu, các em học sinh, sinh viên tìm hiểu đầy đủ về các hoạt động của nghĩa quân Cần Vương bắc Bình Định.
NGUYỄN THANH QUANG
Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906), tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, tên thật là Tăng Doãn Văn, là chí sĩ Việt Nam tham gia chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông sinh ngày 19 tháng 7 năm 1858 tại làng An Thường, nay thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu cùng nhân dân đứng lên kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Tăng Bạt Hổ cùng với Phạm Toàn chiêu mộ binh lính, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp tại vùng núi Kim Sơn, huyện Hoài Ân.
Ở Bình Định bấy giờ phong trào kháng chiến chống Pháp phát triển mạnh và dần dần quy tụ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng. Tăng Bạt Hổ đã liên kết với lực lượng của Mai Xuân Thưởng và được giao nhiệm vụ giữ mặt trận phía bắc Bình Định. Ông cho quân cùng với Bùi Điền xây dựng và củng cố thêm khu Chóp Chài (Phù Mỹ) và hai đồn tại đèo Phủ Cũ và đèo Bình Đê.
Thực dân Pháp và triều đình Nguyễn cử Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc đem quân đàn áp phong trào kháng chiến ở Bình Định. Đầu năm 1886, Tăng Bạt Hổ cử hai tướng là Bùi Điền và Đỗ Duyệt đem quân giao chiến với Nguyễn Thân nhưng bị thất bại. Ông tiếp tục chiêu mộ thêm binh sĩ, củng cố thêm các đồn lũy để chống lại quân của Nguyễn Thân, nhưng trước thế mạnh của địch, hầu hết các chiến lũy của nghĩa quân đều bị phá vỡ.
Đầu năm 1887, Nguyễn Thân kéo đại quân triệt phá mật khu Kim Sơn, vây bắt Tăng Bạt Hổ. Do quân ít, vũ khí thô sơ, nghĩa quân tan rã, riêng Tăng Bạt Hổ vượt núi lần lượt sang Lào, Xiêm, Trung Quốc, Nga, Nhật. Ông quyết định theo nghề hàng hải, làm thủy thủ cho tàu buôn, vì thế có điều kiện quan sát văn minh của các nước và tìm thêm đồng chí. Sau đó ít năm, ông được sung vào Hải quân Nhật Bản.
Trong chiến tranh Nga-Nhật (1904 - 1905), ông nổi tiếng là quả cảm, có công lớn trong những trận chiến Đài Liên và Lữ Thuận, được thưởng huy chương quân công. Ngày khải hoàn, ông được dự bữa đại yến do Thiên hoàng Minh Trị đãi các tướng sĩ.
Cuối năm 1904, Tăng Bạt Hổ rời Nhật về nước. Ông đến Hải Phòng đầu tiên, sau đó vào Quảng Nam, gặp Nguyễn Thành và được giới thiệu với Sào Nam Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Đầu năm 1905, ông tổ chức đưa Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính qua Nhật để cầu ngoại viện, tổ chức phong trào Đông Du.
Năm 1905, ông về nước đem theo bài văn Khuyến thanh niên du học của Phan Bội Châu truyền bá, cổ động. Dưới chiếc áo thầy thuốc ông đi khắp nơi liên lạc tìm người cùng chí hướng để bàn về tình hình trong nước và kế hoạch lâu dài, tuyển chọn thanh niên ưu tú đưa sang Nhật du học.
Năm 1906, trên đường từ Nam ra Huế, ông lâm bệnh nặng rồi mất trên một chiếc thuyền trên sông Hương. Khi Tăng Bạt Hổ qua đời, Võ Bá Hạp cùng các đồng chí đồng sự đã đem táng thi hài ông trên một gò cao thuộc ấp Thế Lại Thượng. Năm 1956, Lê Ngọc Nghị- một nhân sĩ - đã cùng với một số hậu duệ các bậc tiền bối hợp tác cùng thân hào xã Thế Lại Thượng tổ chức lễ truy điệu và cải táng hài cốt Tăng Bạt Hổ lên chôn tại khu vườn nhà và lăng mộ Phan Bội Châu như hiện nay.
ĐÔNG A