Nghĩ về “Văn” và “Võ” Bình Định
Lâu nay, mỗi khi nhắc tới Bình Định, người ta hay gọi bằng cụm từ “đất võ trời văn”. Dĩ nhiên, đó cũng chỉ là một cách tôn vinh mang tính biểu tượng, chứ không thể tách bạch ra “đất võ” ở đâu và “trời văn” thế nào. Không có đất nào chỉ toàn “võ”, cũng như không có trời nào tràn ngập “văn”.
Nhưng, người Bình Định quả thật có truyền thống võ nghệ và văn học. Truyền thống đó bắt nguồn từ cái gốc là ở sự học và học một cách sáng tạo. Nói cho cùng, truyền thống đó bắt nguồn từ văn hóa. Phải nói thật rành mạch như thế.
1.
Người Bình Định có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao từ xưa tới nay. Nhiều người nổi danh vì văn tài, thi tài khiến cả nước phải kính nể. Tôi còn nhớ, người Quảng Ngãi quê tôi hồi xưa lưu truyền câu ca dao: “Tiếc công Bình Định xây thành/Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa”. Tôi có hỏi nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn, và ông đã trả lời tôi bằng cả một bảng ghi danh các thủ khoa trường Bình Định qua rất nhiều mùa thi. Xem đó, thì thí sinh Bình Định đoạt thủ khoa chiếm số lượng áp đảo so với các tỉnh khác, trong đó có Quảng Ngãi. Đúng là thí sinh Quảng Ngãi có đoạt được một số không nhiều danh hiệu thủ khoa, nên có thể vì mừng quá, người Quảng Ngãi đã sáng tác câu ca dao này.
“Người Bình Định có truyền thống “vũ nhân, văn nhân”. Bởi, võ hay văn đều thuộc về “Nhân” chứ không thuộc về “Thiên” hay “Địa”
Thầy tôi (tôi gọi cha mình là thầy) là người đã hai lần, ở tuổi 14, 15, nghĩa là còn rất nhỏ so với tuổi thí sinh thi chữ Hán, đã “lều chõng” vào Bình Định ứng thí, cũng công nhận qua câu chuyện kể với tôi, là thí sinh Bình Định học giỏi, thường đứng đầu (thủ khoa) các kỳ thi Hương ở Bình Định. Ngay thi Hội và thi Đình ở Huế, thí sinh Bình Định còn giành được vị trí cao nữa là!
Như thế, nếu gọi đúng, hơi khách sáo một chút, thì phải nói: người Bình Định có truyền thống “vũ nhân, văn nhân”. Bởi, võ hay văn đều thuộc về “Nhân” chứ không thuộc về “Thiên” hay “Địa”. Tuy vậy, người Việt mình hay nói “đất học” với hàm ý: nhờ ơn phước sông nước, đất đai, nhờ “lộc đất” mà học trò học giỏi, rồi tạo nên được truyền thống hiếu học, làm vẻ vang tên mảnh đất đã sinh ra mình.
2.
Bình Định có Đào Tấn. Bình Định lại có Xuân Diệu. Bây giờ, cả Xuân Diệu và Đào Tấn hợp lại mang tên một giải thưởng Văn học-Nghệ thuật của Bình Định, xét trao 5 năm một lần. Nhiều văn nhân, nghệ sĩ của Bình Định đã được vinh dự nhận giải này. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói tới… cái tên của giải thưởng, là giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu.
Ở một tỉnh mà tiếp liền hai thế kỷ 19 và 20 xuất hiện hai tên tuổi lớn như thế về văn học-nghệ thuật, thật khó có tỉnh nào theo kịp. Hà Tĩnh có Nguyễn Du và Huy Cận, nhưng sống cách nhau khá xa, còn Đào Tấn và Xuân Diệu tuy ở hai thế kỷ, nhưng lại có thời gian dài ngắn khác nhau cùng sống ở thế kỷ 20.
Tôi tin, nếu làm công tác giới thiệu nghệ thuật Tuồng Đào Tấn thật tốt ra thế giới, thì chẳng bao lâu nữa, cũng như Nguyễn Du, Đào Tấn sẽ được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Nhiều người đã so sánh Tuồng Đào Tấn với kịch William Shakespeare, và tôi thấy so sánh ấy rất có cơ sở hợp lý, nếu xét tính kinh điển và tầm nhân văn nhân loại ở những tác phẩm Tuồng tiêu biểu của Đào Tấn, so với những vở kịch tiêu biểu của Shakespeare. Cả hai người đều là hai nhà thơ lớn, và đều sáng tác kịch bản bằng thơ. Điều đặc biệt là Đào Tấn sáng tác kịch bản Tuồng, dàn dựng Tuồng ở một đất nước không có bề dày truyền thống lâu đời về kịch nghệ, như Shakespeare ở nước Anh. Nhưng cũng như kịch Shakespeare, Tuồng Đào Tấn có những tác phẩm đạt tới tầm cổ điển. Và công lao cách tân Tuồng của Đào Tấn cũng không thua gì công lao cách tân kịch của Shakespeare.
Với Xuân Diệu, thì Bình Định có thể tự hào vì đã góp cho đất nước một nhà thơ trữ tình lớn, một nhà thơ hồn nhiên từ bản chất, và gắn bó máu thịt với đời sống cũng từ bản chất. Nhiều bài thơ Xuân Diệu tới giờ vẫn “một khối hồng”, vẫn quẫy cựa sinh động như chính cái sống, chính cuộc sống.
Bình Định lại có Hàn Mặc Tử, tuy quê gốc ở Quảng Bình nhưng sáng tác và thành danh nhà thơ lớn là ở Bình Định, sống và chết ở đất Bình Định.
Bình Định lại còn Chế Lan Viên, một tên tuổi lẫm liệt về Thơ ở thế kỷ hai mươi của Việt Nam.
Nhưng xét về tầm thế giới và khả năng chinh phục thế giới, thì Đào Tấn vẫn là tên tuổi lớn hơn cả.
Bình Định vừa mất một nhà “Đào Tấn học” tầm cỡ, một nhà nghiên cứu nghệ thuật Tuồng hiếm hoi trong nước, đó là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Ông rời trần gian trong khi còn ôm ấp rất nhiều dự tính về nghiên cứu nghệ thuật Tuồng, nghiên cứu Tuồng và Thơ Đào Tấn. Đối với dự án “Đưa Tuồng Đào Tấn ra thế giới” thì sự thiếu vắng “cây cổ thụ” Vũ Ngọc Liễn tạo ra một khoảng trống lớn rất khó bù đắp. Chỉ mong, người Bình Định với truyền thống hiếu học và yêu nghệ thuật của mình, sẽ tìm cách bù đắp cho sự trống vắng này. Đưa Tuồng Đào Tấn ra thế giới là việc của cả nước Việt Nam, nhưng Bình Định phải đóng một vai trò rất tích cực trong sự nghiệp ấy.
3.
Tôi không biết võ, không phải người quá giỏi văn, nhưng những cảm nhận của tôi về “Võ” và “Văn” Bình Định là những cảm nhận từ vốn sống, từ những trải nghiệm của riêng tôi khi xem Tuồng Đào Tấn hay đọc thơ văn của những nhà thơ nhà văn Bình Định lỗi lạc. Và, cũng từ khi được xem võ sư Ngô Bông biểu diễn bài võ “Hùng kê quyền” của Nguyễn Lữ-qua bộ phim tài liệu “Đời võ” của đạo diễn Hồ Nhật Thảo - cậu con trai lớn của tôi, đứa trẻ đã bắt đầu học từ lớp 1 ở thành phố biển Quy Nhơn. Bộ phim này đã đoạt giải thưởng lớn “Vòng nguyệt quế” ở Liên hoan phim thể thao quốc tế Milano năm 2011, do IOC (Ủy hội Olympic thế giới) tổ chức thường niên.
Có một điều thú vị khi tìm hiểu về chất “Văn” Bình Định. Hóa ra, với người Bình Định, thì trong “Văn” đã có “Võ”. Đây là nói tới chất uyển chuyển và cứng mạnh trong thơ văn hay nghệ thuật Bình Định. Với võ thuật, có khi sự lưu chuyển, “dịch”, sự mềm mại còn hiệu quả hơn cả sự cứng mạnh. Nhưng dĩ nhiên, bao giờ hai phẩm chất “mềm” và “cứng” trong võ thuật luôn kết hợp với nhau. Nghệ thuật Bình Định, ở đỉnh cao, cũng luôn có sự kết hợp ấy. Và nó làm nên cái đặc sắc của “Văn” Bình Định. Như thơ Hàn Mặc Tử và thơ Chế Lan Viên, một phía thì uyển chuyển, mềm mại như dòng sông bí ẩn, một phía thì lấp lánh hay sáng lóa sự sắc sảo của trí tuệ. Dĩ nhiên, điểm chung của thơ là những vùng thâm u, thì thơ Bình Định của những thi tài đều gặp nhau ở đó.
Ngược lại, trong “Võ” Bình Định lại rất đậm chất “Văn”. Điều này bộc lộ sáng chói nhất ở Quang Trung-Nguyễn Huệ. Nhưng không chỉ ở Quang Trung. Nguyễn Lữ-người anh em ruột với Nguyễn Huệ-tác giả của bài võ “Hùng kê quyền”, khi được “truyền nhân” là một võ sư người Quảng Ngãi-võ sư Ngô Bông-gìn giữ và thể hiện, bài võ đã thể hiện tuyệt vời chất “Văn” của võ thuật. Nó đẹp một cách hồn nhiên, màu rất đạm, khí chất ngùn ngụt nhưng luôn dấu dưới vẻ bình thản. Nó tung hoành, hóm hỉnh, đột phá, dữ dội nhưng lại không hề lên gân, không hề cố ý. Đó, thực ra, cũng là những phẩm chất của “Văn”, dĩ nhiên là “Văn” ở đỉnh cao. Quang Trung-Nguyễn Huệ là thiên tài nghìn năm có một, nhưng chất “Văn” trong “Võ”, và chất “Võ” trong “Văn” của Quang Trung đã lan tỏa, thấm nhuần trong võ thuật và văn nghệ Bình Định, khiến người thưởng thức dễ nhận ra những nét riêng, những đặc thù mang đậm chất Bình Định. Với một vùng đất “tầng tầng văn hóa” như Bình Định, thì điều đó là khả thể, nhưng vẫn rất đáng tự hào.
THANH THẢO