Kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða (1789 - 2014):
Quang Trung với sự nghiệp dựng nước
Cách đây 225 năm, ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), dưới sự lãnh đạo của người anh hùng “áo vải, cờ đào” Quang Trung- Nguyễn Huệ, người dân đất Việt đã nhất tề đứng dậy, đập tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Sau đó, vua Quang Trung tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước với những chính sách kinh tế mới mẻ, táo bạo.
Trong Chiếu Lên ngôi, vua Quang Trung đã tuyên bố: “Nhân nghĩa, trung nghĩa là đạo lớn của người. Trẫm nay cùng dân đổi mới!”. Vì vậy, ngay sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu vang dội, nhà vua đã bắt tay vào công cuộc canh tân đất nước, với những cải cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục…
Về kinh tế, vua Quang Trung cương quyết xóa bỏ chính sách “ức thương” và “bế quan tỏa cảng” đã tồn tại hàng thế kỷ. Đối với nông nghiệp, Quang Trung xác định: Có phục hồi nông nghiệp mới ổn định được trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, nhất là kinh tế hàng hóa vốn đã tiêu điều do sự tàn phá của chiến tranh. Trong Chiếu Khuyến nông, vua Quang Trung nói rõ:“Chính sự đạo vương cốt vun gốc, vén ngọn, làm cho dân yên ổn cấy cày, nhờ đó trong nước không có người lười biếng, ngoài đồng không có đất bỏ hoang. Trải qua buổi loạn ly binh lửa triền miên, lại thêm nạn đói kém, nhân dân lưu tán, ruộng đất bỏ hoang. Trẫm chịu mệnh trời giữ nghiệp lớn bốn bề trong lặng. Nay buổi đầu đặt định, chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu phải được tiến hành lần lượt”.
Đồng thời, nhằm hồi phục và phát triển kinh tế, vua Quang Trung đã đề ra một loạt cải cách về tiền tệ, thuế khóa, đinh điền bằng việc hủy bỏ toàn bộ loại tiền cũ và thay mới bằng các loại tiền Thái Đức, Quang Trung Thông bảo… Về thuế khóa, nhà vua bãi bỏ việc nộp tiền thay cho việc sưu dịch (còn gọi là “thuế tiền điệu”). Thuế ruộng đất công, tư đều được triều đình xem xét phân hạng theo mức sản xuất hàng năm và chia hạng nộp thuế bằng lúa, hoặc có thể bằng tiền tính theo thời giá. Đáng lưu ý, Quang Trung còn có quy định “Thập vật tiền” (nghĩa là tiền trả cho người đứng thu thuế) và “Khoán khố tiền” (tiền tồn kho) và mức thuế cụ thể. Ai thu vượt quá quy định sẽ bị khép tội tham nhũng. Ruộng được chia ra làm 3 hạng để đánh thuế, gồm: Nhất đẳng điền (150 bát thóc); nhị đẳng điền (80 bát thóc); tam đẳng điền (50 bát thóc)…
Không chỉ có vậy, vua Quang Trung rất chú trọng phát triển nền kinh tế công thương nghiệp, mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài. Năm 1790, Quang Trung thương thuyết với nhà Thanh để mở một thương điếm tại Nam Ninh (Quảng Tây) mua bán hàng hóa giữa hai nước; đồng thời khuyến khích giao thương giữa các thuyền của thương thuyền nước ngoài và các thương thuyền của Đại Việt. Vua Quang Trung xác định: Kinh tế thương nghiệp phải xây dựng trên nền tảng độc lập, tự cường để có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phát triển kinh tế quốc gia.
Ngay sau Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, nhà vua đã chủ động viết thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An đề nghị “mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa không ngưng đọng để làm lợi cho dân”. Kết quả, nhà Thanh đã cho mở cửa ải Thủy Khẩu, Bình Nhi, Du Thôn… cho thương nhân người Hoa sang buôn bán, lập ra nhiều phố xá gần biên giới, như: Kỳ Lừa, Mục Mã, Hoa Sơn và lập ra 2 cửa hiệu Thái Hòa, Phong Thịnh để buôn bán.
Ngoài việc miễn thuế cho các thương nhân người Hoa, vua Quang Trung còn đề nghị lập nhà hàng ở phủ Nam Ninh (Quảng Tây) để thương nhân người Việt sang buôn bán. Chính nhờ chính sách mở cửa của Quang Trung, nhiều thuyền buôn Trung Quốc và cả phương Tây đã đến kinh đô Phú Xuân của Đại Việt để mua bán, trao đổi hàng hóa…
Đáng tiếc, giữa lúc nền kinh tế của nước ta đang được tái thiết và từng bước hưng thịnh thì tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà.
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
Câu thơ trong bài Ai Tư Vãn của Công chúa Ngọc Hân cũng chính là ghi nhận của lịch sử về sự nghiệp vĩ đại của vua Quang Trung đối với đất Việt.
225 năm đã trôi qua, song “hào khí Tây Sơn” và tinh thần của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vẫn mãi mãi bất diệt. Và, những hoài bão “canh tân, đổi mới” của Quang Trung vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước.
viết hiền