Thực hành đạo đức “nói đi đôi với làm”
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường.
Hồ Chí Minh thực hành đạo đức bằng cách làm gương và nêu gương. Muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Sinh thời, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang đến gần, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng một hành động cụ thể, và chính Người đã làm gương thực hiện trước. Khuyên nhân dân rèn luyện thân thể để có sức khỏe kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì bản thân Người ngày nào cũng tập thể dục; phát động Tết trồng cây, Người tiên phong đi đầu, trồng cây nào sống cây đó; khuyên thanh niên tự học, bởi Người đã là một tấm gương tự học suốt đời trong trường đời đấu tranh cách mạng.
Hồ Chí Minh cho rằng, con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông, coi trọng thực tiễn hơn lý thuyết. Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường.
Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, người lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, người mà cả cuộc đời là một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.
Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
Hiểu rõ tầm quan trọng của đạo đức trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, Đảng ta đã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; coi đó như việc làm thường xuyên, chế độ công tác và sinh hoạt Đảng. Chủ trương này đã từng bước đi vào cuộc sống, làm chuyển biến một bước về nhận thức và thực hành đạo đức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Trong năm 2014, chủ đề trọng tâm của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, đồng thời tiếp tục thực hiện 8 nội dung trong Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư. Đây là vấn đề có tầm quan trọng, ý nghĩa rất to lớn đối với công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.
hải đăng