Lập nghiệp từ thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ
Tại Vân Canh, trong khi không ít thanh niên dân tộc thiểu số vẫn đang lúng túng về sinh kế, thì một số bạn trẻ đã tìm thấy con đường “sáng” cho mình. Ðó là rèn luyện, trưởng thành từ quân ngũ, sau đó với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã có việc làm, tạo lập cuộc sống ổn định.
Anh Ra Lan Diệp (phải) cùng cha làm đồ dùng từ vật liệu nhôm tại nhà.
Chọn con đường vào đời
Từ tháng 9.2020 đến nay, với công việc lái xe tải cho một DN, anh Đoàn Thanh Vũ (22 tuổi) ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh đã có khoản thu nhập ít nhất 6 triệu đồng/tháng. Phần lương ấy tuy không lớn nhưng là nguồn thu nhập ổn định và rất cần thiết cho gia đình Vũ vốn đang gặp nhiều khó khăn. “Nhờ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dành cho bộ đội xuất ngũ mà tôi được học nghề miễn phí, học xong là tìm được việc. Tuy trước mắt thu nhập còn khiêm tốn nhưng tôi hài lòng với sự lựa chọn “con đường ngắn” này”, Vũ tâm sự.
“Con đường ngắn” mà Vũ nói chính là cơ hội mở ra từ việc tình nguyện tham gia quân ngũ. Năm 2018, Vũ đỗ đại học (Trường ĐH Quy Nhơn, ngành Quản lý giáo dục); trong khi còn đang băn khoăn vì sức học, nhà nghèo, ngại ra trường không xin được việc, thì cũng là lúc anh nhận giấy báo đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Thế là anh quyết định xin nhập ngũ. Ra quân đầu năm 2020, với các khoản trợ cấp dành dụm được trong thời gian quân ngũ và thẻ học nghề, từ giữa tháng 2.2020, Vũ học nghề lái xe, hơn nửa năm sau là đã có việc làm. Cùng tổ lái xe với Vũ ở công ty còn có người bạn Thanh Văn Tiên (cùng xã), cũng học, làm nghề từ chính sách dành cho quân nhân xuất ngũ và hiện có cuộc sống ổn định.
Cũng “vào đời” bằng con đường đi bộ đội và học nghề, anh Ra Lan Diệp (29 tuổi) ở làng Kà Xim, xã Canh Thuận cảm thấy cha mẹ và mình đã định hướng, lựa chọn đúng. Học hết lớp 12, từ gợi ý của người cha cựu quân nhân - ông Zâu Zuôn Nam, Diệp viết đơn tình nguyện nhập ngũ (năm 2014). Năm 2016, xuất ngũ, Diệp đã chọn học nghề cơ khí và sau gần 2 năm vừa học vừa đi làm thêm tại các cơ sở gia công ở Quy Nhơn, 2 năm nay, anh Diệp đã tự mở xưởng riêng, thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Anh Diệp phấn khởi chia sẻ dự định: “Nghề này tuy vất vả nhưng hiện nay có việc quanh năm. Từ khởi đầu suôn sẻ, tôi đang cố gắng để có thể mở thêm cửa hàng vật liệu phục vụ việc gia công cơ khí, tăng hiệu quả kinh tế”.
Chủ động tạo lập cuộc sống
Điểm chung ở những thanh niên trên là tinh thần tự giác trong thực hiện nghĩa vụ quân sự và tâm đắc với những lợi ích mà môi trường quân ngũ cũng như chế độ chính sách cho bộ đội xuất ngũ mang lại, từ đó họ chủ động tạo dựng cuộc sống cho mình.
Đoàn Thanh Vũ cho hay, môi trường quân ngũ đã trau dồi cho anh tính cần cù lao động cùng những kiến thức, hiểu biết về cách thức làm kinh tế căn bản nhất. Và ngày về, với tấm thẻ học nghề trên tay, anh đã tự vạch ra con đường mình sẽ đi.
Ông Zâu Zuôn Nam (cha của anh Ra Lan Diệp) cũng là người có uy tín của làng, chia sẻ, bản thân từng đi bộ đội và có hai con rể (Nguyễn Văn Nỏ, Đoàn Văn Bảng), con trai lớn (Ra Lan Giang) cũng nhờ vào quân ngũ mà thêm trưởng thành, sống gương mẫu, chí thú làm ăn nên ông đã định hướng cho Diệp. “Ở địa phương cũng như nhiều làng dân tộc thiểu số khác vẫn còn tình trạng một bộ phận thanh niên sau khi xuất ngũ loay hoay, bị động về công ăn việc làm, cuộc sống thiếu ổn định, trong khi chính sách hỗ trợ đào tạo nghề không được các đối tượng sử dụng hiệu quả, thật đáng tiếc”, ông Nam bày tỏ.
Chị Phạm Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Vân Canh, cho hay số lượng thanh niên xuất ngũ ở địa phương sử dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tuy có tăng lên trong vài năm gần đây song vẫn còn khiêm tốn; đa số họ chọn đi làm công nhân hay lao động tự do, thời vụ. Đáng lo hơn là có một số trường hợp lập gia đình trong khi chưa có công việc, thu nhập ổn định, vì vậy cuộc sống gia đình trẻ trở nên khó khăn.
Và như vậy, đối với thanh niên dân tộc thiểu số ở Vân Canh nói riêng, trong tỉnh nói chung, con đường tạo lập cuộc sống riêng như các anh Vũ, Tiên, Diệp... tuy giản dị nhưng rất đáng để tham khảo, ghi nhận.
Bài, ảnh: SAO LY