Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý hộ tịch
Số hóa dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy, chuyển đổi và chuẩn hóa, cập nhật về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là những bước đi quan trọng để từng bước hiện đại hóa công tác quản lý hộ tịch.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) dùng máy quét (scan) để số hóa các thông tin trên sổ hộ khẩu của người dân, lưu trữ trên máy tính. Ảnh: MAI LÂM
Ngày 28.7.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến (Nghị định 87). Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai những giải pháp nhằm hiện đại hóa công tác quản lý hộ tịch, phục vụ tốt hơn cho người dân cũng như các cơ quan hành chính.
Theo Nghị định 87, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung được kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, thông qua đó kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch qua phương thức đăng ký trực tuyến.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan, điểm đáng chú ý ở Nghị định 87 là các sở Tư pháp, phòng Tư pháp được khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch đối với các trường hợp đã đăng ký hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn hoặc người có yêu cầu đang cư trú trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn theo quy định pháp luật. “Các cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin hộ tịch của mình trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì gửi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền. Quá trình thực hiện trên không gian mạng ngày càng tạo thuận lợi hơn cho người dân”, bà Lan nhận định.
Để đưa các quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến vào thực tiễn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định 87 trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp là cơ quan chủ công, với nhiệm vụ chính là triển khai thực hiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử từ sổ giấy; chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử của địa phương đã triển khai trước khi sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, xã cũng có trách nhiệm quan tâm bảo đảm trang thiết bị, kinh phí triển khai cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trong phạm vi địa phương quản lý.
Có thể thấy, việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là bước đi tiếp theo để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương. Đơn cử, dù còn nhiều khó khăn, nhưng UBND xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) vẫn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận Một cửa, triển khai thành công dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”, là cơ sở quan trọng để sử dụng kết quả bản sao điện tử thực hiện giao dịch thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục hành chính “Cấp phiếu lý lịch tư pháp”. Chủ tịch UBND xã Trương Văn Khẩn cho hay: “Chúng tôi nỗ lực đầu tư trang bị máy móc, phương tiện để từng bước hiện đại hóa các dịch vụ công, mục đích cao nhất là mang đến sự tiện lợi cho người dân”.
KHẢI THƯ