Khi quy định “làm khó” cơ quan chức năng
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và các chất gây nghiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Theo các cơ quan chức năng, việc vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đến nay, một số địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA; nhiều xã chưa thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy, một số nơi tuy đã thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao…
Một phiên tòa giả định về phòng, chống ma túy trong thanh niên. Ảnh: KIỀU ANH
Đáng chú ý, việc xác định tình trạng nghiện, lập thủ tục hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa thực hiện được do thủ tục quy định quá rườm rà. Các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập, chưa thống nhất nên khó triển khai thực hiện trong thực tế.
Cụ thể, Điều 4 Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 3 tháng kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản theo quy định. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền ra quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc là TAND các cấp (không phải UBND như trước đây) nên rất khó thực hiện từ giai đoạn ban đầu lập hồ sơ đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Thời gian thẩm định hồ sơ từ cơ quan y tế đến phòng Tư pháp, phòng LĐ-TB&XH đến khi tòa án ra quyết định thường mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn xác định nghiện chất dạng Amphetamine và quy trình xác định nghiện ma túy quy định tại thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ CA và Bộ LĐ-TB&XH không phù hợp với thực tiễn. Quy định nêu cần có thời gian để xác định nghiện (72 giờ đối với người xác định nghiện chất thuốc phiện và 120 giờ đối với người xác định nghiện chất ma túy tổng hợp), nhưng không quy định cụ thể lực lượng nào tham gia giám sát, theo dõi người nghiện, theo dõi ở đâu…, trong khi người nghiện ma túy thường rất hung hăng, không hợp tác với lực lượng chức năng.
Sau khi thực hiện giám sát về tình hình, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và các chất gây nghiện trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng ban Pháp chế (HĐND tỉnh) cho rằng, Trung ương cần sửa đổi một số quy định liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, như: Thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy; bổ sung một số chất gây nghiện, chất kích thích, chất gây ảo giác mới xuất hiện vào danh mục các chất ma túy; đơn giản hóa thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, các chất gây nghiện trong tình hình hiện nay.
SAO LY