Cần khuyến khích DN đầu tư vào chế biến nông sản
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, chiều 25.3, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Các đại biểu Đoàn Bình Định tham gia thảo luận tổ chiều 25.3. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tham gia thảo luận, các ĐBQH Đoàn Bình Định cơ bản nhất trí với các báo cáo và dự thảo báo cáo. Đồng thời, phân tích, làm rõ một số hạn chế, vướng mắc.
Đại biểu Đặng Hoài Tân cho rằng, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển quan trọng, phát huy vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế trong “cơn bão” dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp thiếu đồng bộ; giá trị của ngành Nông nghiệp vẫn chỉ nằm ở khâu sản xuất; khâu chế biến nông sản vẫn chưa được quan tâm, chưa tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo nên nguồn thu lớn.
“Giá trị tăng lên của ngành Nông nghiệp chủ yếu nằm ở phần sau thu hoạch. Nhưng đầu tư cho chế biến nông sản còn hạn chế, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, 90% là siêu nhỏ”, đại biểu Tân nói.
Do đó, đại biểu Tân đề nghị Chính phủ quan tâm, khuyến khích DN đầu tư cho nông nghiệp nói chung, đầu tư chế biến nông sản nói riêng vốn có nhiều yếu tố rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, cần đưa ra điều kiện đầu tư thuận lợi hơn; có cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn.
Trong khi đó, đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, cơ chế quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học còn bất cập. Hình thức khoán chi chưa được mạnh dạn sử dụng, khiến nhà nghiên cứu phải vất vả, khó khăn trong lập đề cương chi tiết đến từng công việc phải làm, lượng hóa chất, vật tư phải mua... Trong khi đó, kế hoạch nghiên cứu có thể thay đổi trong thực tế. Do đó, cần “cởi trói” về quản lý tài chính để nhà khoa học yên tâm tập trung cho nghiên cứu, sáng tạo.
HOÀI NHÂN