Dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò: Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa
Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; tư vấn và vận động các DN, người dân tăng cường chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.
Lo lắng loại bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xâm nhiễm đàn bò sữa, ngay từ đầu năm 2021, Trại bò sữa Vinamailk Bình Định tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) đã chủ động mua các loại vắc xin về tiêm phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh VDNC. Ông Bùi Văn Toại, Giám đốc Trang trại, cho hay: “Việc chăm sóc, bảo vệ đàn bò sữa luôn được duy trì ở mức cao, đặc biệt từ khi bệnh VDNC xuất hiện và gây hại, chúng tôi càng quan tâm đến đàn bò nhiều hơn. Hiện cùng với việc tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, mới đây công ty đã mua và tiêm vắc xin phòng chống bệnh VDNC cho toàn bộ 2.100 con bò sữa trong trại. Chúng tôi đang áp dụng quy trình công nghệ chăn nuôi hiện đại, đạt tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), luôn đảm bảo đàn bò sinh trưởng, phát triển trong môi trường tốt nhất. Nhờ vậy, đàn bò phát triển ổn định, năm 2020 sản lượng sữa khai thác đạt 11 triệu lít, dự kiến năm nay sản lượng sữa sẽ tăng lên 12 triệu lít.
Trại bò sữa Vinamailk Bình Định đang tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bảo vệ đàn bò sữa.
Qua các hình thức tuyên truyền như trên phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò ở các địa phương trong tỉnh đã biết về VDNC, nhưng không ít hộ dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này. Thường xuyên thả nuôi 10 con bò thịt chất lượng cao, nhưng ông Nguyễn Ngọc Mến, ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, vẫn chưa triển khai các biện pháp phòng chống bệnh VDNC. Ông Mến, cho hay: Chúng tôi thường tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng định kỳ mỗi năm 2 lần cho bò, còn VDNC thì cũng chưa biết mua vắc xin ở đâu để phòng, chống loại dịch bệnh này.
Theo Bộ NN&PTNT, VDNC trên đàn trâu, bò là một trong những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra (loại vi rút này không gây bệnh trên người). Vi rút gây bệnh VDNC tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, tốc độ lây lan nhanh. Chỉ hơn 5 tháng xuất hiện, đến nay dịch bệnh VDNC đã lây lan đến 18 tỉnh, thành trong nước. Vì vậy, các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm và chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh VDNC trên đàn trâu, bò. Thời gian qua, tỉnh ta thực hiện khá tốt công tác chống dịch bệnh trên đàn gia súc, đảm bảo an toàn cho đàn trâu, bò hơn 314 nghìn con, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh VDNC đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành trong nước, nguy cơ lây lan đến Bình Định rất cao. Ngày 23.3.2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, bảo vệ đàn trâu, bò.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại của loại dịch bệnh VDNC. Bên cạnh đó, rà soát lại tổng đàn cũng như nguồn gốc xuất xứ trâu, bò hiện có trên địa bàn tỉnh và kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán, giết mổ trâu, bò tại các địa phương. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ tại các Trạm kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ để kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển trâu, bò ra vào tỉnh, kiên quyết xử lý các chủ phương tiện vi phạm quy định của Luật Thú y. Chúng tôi cũng sẽ tư vấn và vận động các chủ trang trại, hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò đăng ký với chính quyền địa phương hoặc Sở NN&PTNT mua vắc xin phòng chống dịch bệnh VDNC.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ