Sáu cường quốc chờ Iran trả lời về đề nghị hạt nhân
Hôm nay (5.4), sáu nước tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ hối thúc Tehran chấp nhận đề nghị nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế nếu nước này ngừng chương trình hạt nhân rất nhạy cảm của mình.
Nhóm P5+1 và Iran tại vòng đàm phán hạt nhân hồi tháng 2
Dự kiến vấn đề trên sẽ được nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) và Iran thảo luận tại vòng đàm phán thứ 2 trong năm nay tại thành phố Almaty của Kazakhstan vào lúc 10 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) và kéo dài đến ngày 6.4.
Trong bối cảnh Iran đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6, vòng đàm phán này ít có hy vọng đạt được bước đột phá nào, trong khi Israel ám chỉ sự kiên nhẫn của nước này với biện pháp ngoại giao đã hết và đe dọa tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Tehran không ngừng các hoạt động bị nghi nhằm sản xuất bom hạt nhân.
Mặc dù không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng các nhà ngoại giao phương Tây vẫn hy vọng ít nhất cũng sẽ có một cuộc thảo luận nghiêm túc về những điểm cụ thể trong đề xuất của các bên, vốn được đưa ra tại cuộc họp hồi tháng 2.
Trong khi đó, truyền thông Iran đưa tin, phái đoàn đàm phán của nước này đến Almaty với những đề xuất riêng. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeel Jalili phát biểu: “Chúng tôi cho rằng cuộc đàm phán ngày mai có thể diễn ra với một điều, đó là chấp nhận các quyền của Iran, nhất là quyền làm giàu uranium.” Tuy nhiên, các nước liên quan lại nói rằng, Tehran đã từ bỏ quyền lợi đó bằng cách ngăn cản các thanh sát viên của Liên hiệp quốc giám sát hoạt động hạt nhân trong quá khứ.
Nếu vòng đàm phán này không đạt được kết quả đáng kể nào, thì chính phủ các nước phương Tây nhiều khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới lên Iran, với mục đích kép là gây sức ép với Tehran và thuyết phục Israel không có hành động quân sự nhằm vào nước này.
Trước đó, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu rằng, chương trình hạt nhân của Tehran phải bị chấm dứt bằng “bất cứ giá nào”.
Các chuyên gia cho rằng, Iran sẽ tiếp tục con đường ngoại giao trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mới, nhưng sẽ không tiến gần đến bất cứ thỏa thuận nào.
Lê Quảng (theo Reuters)