Hoài Nhơn - rạng danh đất Anh hùng
Ngày 27.3, TX Hoài Nhơn trang trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Thêm một dấu son trên hành trình phát triển của xứ sở Anh hùng...
Tên gọi Hoài Nhơn đến nay đã trải qua 550 năm lịch sử. Đất và người Hoài Nhơn đã khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn cùng đất nước. Qua các thời kỳ lịch sử, người dân xứ Dừa một dạ kiên trung, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất. Nhiều thế hệ người Hoài Nhơn đã bảo vệ, giữ gìn và xây dựng quê hương trở thành vùng đất trù phú và tươi đẹp, với núi Bồng - sông Lại hữu tình, với cửa biển Tam Quan, An Dũ quanh năm sóng hát và những rừng dừa xanh ngát đi vào câu ca bất hủ: “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan”.
Diện mạo đô thị Hoài Nhơn hôm nay. Ảnh: ĐÌNH HÙNG
Hào hùng một thủa
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc nổ ra không ngừng nghỉ ở Hoài Nhơn. Với khát vọng tự do, phá tan xiềng xích nô lệ, áp bức của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều người con ưu tú của Hoài Nhơn sớm giác ngộ cách mạng, thổi bùng lên cao trào có sự hòa quyện của ý Đảng - lòng dân: Sự ra đời của Chi bộ Cửu Lợi - tiền thân của Đảng bộ TX Hoài Nhơn ngày nay.
91 năm trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đảng bộ, quân và dân Hoài Nhơn với một lòng sắc son theo Đảng, đã anh dũng chiến đấu, góp phần lập nên những chiến công hiển hách khiến quân thù kinh hồn bạt vía. Hoài Nhơn là nơi diễn ra cuộc biểu tình cây số 7 Tài Lương năm 1931, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; là thủ phủ khu V trong cuộc kháng chiến chống Pháp; là địa phương duy nhất tại Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ có tàu không số cập bến chi viện chiến trường miền Nam...
Cùng với đó là những chiến thắng hào hùng: Chợ Cát - Tam Quan, Đồi Mười, Xuân - Hè 1972… Và đỉnh cao là lúc 10 giờ ngày 28.3.1975, quê hương Hoài Nhơn được hoàn toàn giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh gian khổ mà hào hùng của Đảng bộ, dân và quân Hoài Nhơn dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Đây là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ vùng đất Hoài Nhơn giàu đẹp, kiên trung và anh hùng.
Đi qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Hoài Nhơn đã có biết bao đóng góp và hy sinh, với hơn 11.200 liệt sĩ, 8.700 thương, bệnh binh; 2.077 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 24 tập thể và 26 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...
Hoài Nhơn quyến rũ về đêm. Ảnh: ĐÌNH HÙNG
Bừng sáng ngày mới
Tôi gặp lại cụ Nguyễn Hung trong căn nhà khang trang nằm cạnh kênh mương Lại Giang thơ mộng ở khu phố 5, phường Bồng Sơn. Ở tuổi 95, nhưng cụ vẫn minh mẫn lắm. Tạm dừng chương trình trực tiếp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV trên tivi, cụ hào hứng kể về những năm tháng chiến tranh, cả nhà đào hầm nuôi giấu cán bộ. “Cái thời sao mà khổ mà cực. Người ta nói 1 thằng nhỏ gánh 6 - 7 thằng lớn, là cách ví von của 1 hột gạo trộn lẫn 6 - 7 lát mì. Vậy mà ai cũng quyết tâm đánh giặc, quyết không lùi bước!”, cụ rành rọt.
Nhưng rồi, cái thời khổ cực ấy cũng đã lùi xa. Cụ bảo, không thể nào diễn tả được niềm vui khi chứng kiến sự đổi thay của quê nhà. “Quá nhanh, quá đẹp, đàng hoàng, sạch sẽ...”, ông cụ vừa cười tươi rói, vừa huơ tay khoe.
Để có được diện mạo của quê hương Hoài Nhơn hôm nay, bên cạnh sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước là sự chung tay, góp sức của từng người, từng nhà bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Như chị Đào Thị Thân (ở khu phố 2, phường Tam Quan) tự nguyện làm đường hoa trên đoạn đường hơn 30 m trước nhà. Cứ rảnh ra là nhà chị lại cắm cúi với đất, làm cỏ, bón phân, tưới nước, bắt sâu. Trước là xinh xắn sao nhái, nay là rạng rỡ hướng dương, không chỉ để làm đẹp cho phố, đường hoa còn thu hút người từ nơi khác đến ngắm cảnh, “seo-phì”.
Từ những việc nhỏ nhân lên thành phong trào lớn. Hoài Nhơn luôn được đánh giá cao bởi sự chủ động xây dựng và thực hiện các phong trào thi đua sát, đúng với đặc điểm, tình hình thực tiễn địa phương, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ như: Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Ngày Chủ nhật xây dựng Hoài Nhơn xanh, sạch, đẹp”, cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn Hoài Nhơn không có tội phạm ma túy, giảm tội phạm trộm cắp, cướp giật”...
Thông qua các phong trào thi đua, nhất là thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2009 - 2020, Hoài Nhơn trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Kinh tế liên tục tăng trưởng, tốc độ GDP tăng bình quân 19,15%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2020 đạt trên 9.400 tỷ đồng, tăng 10,4 lần so với năm 2009; thu ngân sách đạt 655 tỷ đồng, tăng 7,5 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng, tăng 4,9 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,01%, giảm 5 lần... Hoài Nhơn là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Ngày 1.6.2020, TX Hoài Nhơn chính thức được thành lập, đánh dấu trình độ phát triển mới của Hoài Nhơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
“Đặc biệt, thật vinh dự và tự hào to lớn, khi hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Hoài Nhơn được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới với những thành tích đặc biệt xuất sắc. Đây là phần thưởng cao quý, là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng phát triển trong giai đoạn mới”, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương xúc động bày tỏ.
Đập ngăn mặn trên sông Lại Giang - công trình ghi dấu ấn trong quá trình phát triển của TX Hoài Nhơn. Ảnh: NGỌC TUẤN
Vững bước đi lên
Từ quá khứ đầy tự hào, thực tiễn lắm tiềm năng, Hoài Nhơn như con tàu đang băng băng ra biển lớn. Hơn lúc nào hết, thời và cơ đang hiện rõ với vùng đất này.
Ông Phạm Trương khẳng định, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân TX Hoài Nhơn quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng trong kháng chiến, truyền thống Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, thị xã đạt ít nhất 70% tiêu chí đô thị loại III, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, là đô thị hạt nhân, phát triển theo hướng đô thị xanh, bền vững.
Để thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng TX Hoài Nhơn đạt chuẩn đô thị loại III giai đoạn 2021 - 2025”, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn Nguyễn Văn Đẹp cho hay, quan trọng nhất là tiếp tục thực hiện phương châm lấy sức dân phục vụ cho dân; lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm động lực; vì lợi ích của nhân dân làm điểm tương đồng; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh làm nội dung trọng tâm và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân làm mục đích.
“Xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... chính là nền tảng để tạo môi trường lành mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, ông Đẹp nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG