CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA BV&PTNLTS GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030:
Ðảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân
Ông NGUYỄN THANH BÌNH
Nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đang xây dựng Chương trình Quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã chia sẻ với Phóng viên Báo Bình Ðịnh một số vấn đề liên quan.
● Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai trong thời gian qua đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
- Để bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam, ngày 13.2.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (BV&PTNLTS) đến năm 2020.
Ngành thủy sản phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, nhưng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức; trong đó, có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản do đó việc thực hiện Chương trình rất quan trọng. Đến nay, Chương trình đã phát huy tác dụng tích cực. Tại Bình Định, với sự hỗ trợ của Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) và các đối tác liên quan, tỉnh đã thành lập 4 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý BVNLTS theo Luật Thủy sản tại xã Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Lý và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) góp phần nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng ngư dân trong phương thức quản lý nghề cá mới.
● Ông có thể giới thiệu đôi nét về Chương trình Quốc gia BV&PTNLTS đến năm 2030 mà Tổng cục đang xây dựng?
- Bộ NN&PTNT chỉ đạo xây dựng Chương trình Quốc gia BV&PTNLTS đến năm 2030 căn cứ theo khung quy định mới của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về BV&PTNLTS, cũng như kế thừa các kết quả của giai đoạn trước. Chúng tôi tham mưu xây dựng, ban hành một số chính sách trong hoạt động thủy sản và Đề án Thực hiện đồng quản lý trong BVNLTS đã được nêu rõ trong Chiến lược phát triển ngành Thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện các giải pháp lâu dài phát triển nghề cá bền vững, đặc biệt thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm cao, đảm bảo hội nhập quốc tế.
Nhiều thực tế tại Bình Định giúp Tổng cục Thủy sản có thêm góc nhìn tham chiếu để xây dựng chính sách BV&PTNLTS.
- Trong ảnh: Tổ đồng quản lý BVNLTS ven bờ xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) quan trắc bảo vệ san hô tại khu vực Bãi Dứa được giao quyền theo Luật Thủy sản.
Chương trình sẽ thiết kế hàng loạt giải pháp từ cơ chế, chính sách đến truyền thông, định hướng, phát triển kỹ năng… trong BV&PTNLTS và xây dựng bộ chỉ số để đánh giá hiệu quả hoạt động của đồng quản lý NLTS, bộ hướng dẫn kỹ thuật để hướng dẫn kỹ thuật đồng quản lý NLTS để trình Bộ NN&PTNT ban hành áp dụng chung cho cả nước. Cũng xin nói thêm là nhiều thực tế tại Bình Định giúp chúng tôi có thêm góc nhìn tham chiếu để xây dựng chính sách.
● Ở góc độ là cơ quan tham mưu xây dựng Chương trình, ông có thể nói thêm về những giải pháp sẽ thực hiện?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền để triển khai các nội dung, như đầu tư xây dựng hạng mục thiết yếu của khu bảo tồn biển, nâng cao hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo vệ NLTS; phát triển một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi nghề nhằm giảm cường độ khai thác vùng ven bờ; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản có thời hạn, ngư dân sử dụng nghề, ngư cụ không thân thiện với NLTS; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các hoạt động BV&PTNLTS; xã hội hóa công tác thả giống tái tạo NLTS cũng sẽ được xem xét, đề xuất; rà soát quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BV&PTNLTS.
Riêng Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ trung ương tới địa phương” (do Tổ chức Từ thiện Rockefeller - RPA Hoa Kỳ - thông qua chương trình Ocean 5 tài trợ) đã được Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với các Chi cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan thực hiện tại Bình Định từ tháng 1.2021 đến 8.2023 và sẽ nhân rộng tại tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa. Những kết quả, bài học thực tiễn và sáng kiến của Dự án này sẽ là những thông tin tham khảo quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện đồng quản lý trong BVNLTS.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)