DẠY LUẬT AN NINH MẠNG TRONG TRƯỜNG HỌC:
Cần thiết, cấp bách!
Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong Thông tư 46/2020/TT-BGDÐT (có hiệu lực từ ngày 11.1.2021) là học sinh THPT sẽ được giảng dạy Luật An ninh mạng trong chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Theo đó, nội dung môn học này ở bậc THPT gồm 105 tiết, riêng lớp 10 sẽ học 35 tiết. Nội dung dạy học của từng khối lớp ở bậc học này được quy định chi tiết, nêu rõ yêu cầu cần đạt được. Hiện Bộ GD&ĐT đang biên soạn giáo trình giảng dạy về an ninh quốc phòng, trong đó có nội dung về Luật An ninh mạng.
Việc sử dụng mạng để học tập và giải trí đã trở nên quen thuộc đối với học sinh. Vì vậy, trang bị kiến thức chuẩn về mạng cho các em là điều cần thiết (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Môn học cần thiết
Theo các thầy cô dạy bậc THPT, việc giới thiệu, cung cấp thông tin về các luật như ATGT, phòng chống ma túy hay an ninh mạng lâu nay chỉ lồng ghép vào các tiết dạy giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa. Và nay, Luật An ninh mạng được đưa vào dạy chính khóa thì rất tốt, bởi hàng ngày học sinh đều có những hoạt động học tập, giải trí liên quan đến internet. Hiệu trưởng một trường THPT tại TP Quy Nhơn nhìn nhận: “Nhu cầu sử dụng mạng của học sinh rất lớn. Vì vậy, trang bị cho các em kiến thức đầy đủ về lĩnh vực này sẽ giúp các em an toàn trên không gian mạng. Thông qua phần học này, học sinh sẽ được tìm hiểu một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng. Theo tôi, chương trình này không chỉ dạy trong môn giáo dục quốc phòng mà còn có thể tích hợp trong môn giáo dục công dân, trong tiết giáo viên chủ nhiệm và các sinh hoạt của đoàn, hội trong trường, vì nó rất thiết thực”.
Có thể nói, quy định mới về nội dung học tập này không chỉ nhận được sự đồng thuận của của giáo viên mà còn của nhiều phụ huynh. Ông Trần Anh Nam, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, cho rằng: “Giáo dục an ninh mạng cho học sinh là cần thiết và nên làm. Bây giờ là thời đại công nghiệp 4.0, học sinh hoàn toàn có thể tìm kiếm trên mạng xã hội mọi thông tin. Do đó, một khi học sinh có được những hiểu biết chuẩn, sẽ giảm nguy cơ vấp phải những tai nạn không đáng có”. Trong khi đó, anh Ngô Viết Xuân, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, có con đang học lớp 10, kiến nghị: “Theo tôi, chương trình dạy học về Luật An ninh mạng trong nhà trường nên thực tế. Không chỉ dẫn luật, quy định mà cần mềm hóa bằng cách đưa ra nhiều ví dụ thực tế để học sinh hình dung rõ ràng về những hữu ích và tác hại trên không gian mạng, từ đó sử dụng mạng an toàn, hiệu quả”.
Trang bị kiến thức chuẩn
Theo cơ quan chức năng, các hành vi vi phạm pháp luật trên internet chủ yếu do sự nhận thức vô tình hay cố ý không nhận biết được đúng sai hoặc “a dua” theo đám đông. Do đó, trang bị kiến thức về an ninh mạng cho học sinh sẽ giúp các em học tập, vui chơi, giải trí một cách lành mạnh, an toàn, nhất là hiện nay ngành giáo dục cho phép học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học tập tại trường. Có thể thấy, hiện nhiều người dùng mạng xã hội, nhất là học sinh, sinh viên có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí đến mức có thể xử lý hình sự nhưng họ chưa biết đó là hành vi sai trái. Do đó, việc đưa kiến thức về an ninh mạng như Luật An ninh mạng vào giảng dạy tại các trường học là rất cần thiết, cấp bách.
Điều này không những góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, mà còn tiến đến hạn chế, triệt tiêu những tác hại xấu trên không gian mạng. Theo luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh, học sinh là lứa tuổi tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, trong khi phần lớn chưa có kỹ năng kiểm chứng thông tin và kinh nghiệm ứng xử với các tin tức xấu, độc. Từ đó, có thể bị tác động xấu, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và lối sống của giới trẻ, thậm chí trong nhiều trường hợp, chính các em lại vô tình tiếp tay cho tin giả lan truyền rộng.“Vấn đề an ninh trên mạng cũng giống như an ninh ngoài đời thực vậy, phải biết cách bảo vệ mình, biết phân loại. Học sinh nào có kỹ năng phân loại tốt, sẽ hạn chế được rủi ro và phòng tránh, và một khi được trang bị kỹ năng nhận diện tin giả, tra cứu thông tin chuẩn xác từ những kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy sẽ giúp học sinh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt trên môi trường mạng”, Luật sư Nam nhấn mạnh.
Có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, Luật An ninh mạng đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Song trên thực tế, không ít người, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên vẫn chủ quan, coi thường, đề cao tự do cá nhân khi tham gia các diễn đàn mạng. Họ tùy tiện đăng tải các nội dung, hình ảnh có tính chất miệt thị, nói xấu người khác, phát tán tin sai sự thật... gây nhiều hệ lụy. Để sử dụng mạng một cách hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh rất cần được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cơ bản về vấn đề này để từ đó không chỉ tự bảo vệ được bản thân và cộng đồng mà còn có thể phát huy vai trò tích cực trên không gian mạng.
Bài, ảnh: KIỀU ANH