Chị Dung Vespa giàu lòng nhân ái
Xuất phát từ cái tâm hướng thiện, thương người gặp cảnh khốn cùng, chị Nguyễn Thị Dung ở Quy Nhơn (thường gọi là Dung Vespa) hay đăng tải lên mạng những hoàn cảnh thương tâm và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ họ.
5 đứa cháu côi cút và bà Long coi chị Dung như người thân ruột thịt của mình.
Gần 10 năm qua, Dung Vespa đã trở thành một “thương hiệu” nối những nhịp cầu để người tìm đến với người mà trao gởi yêu thương, san sớt nỗi lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống.
Mùa mưa bão năm rồi bà Nguyễn Thị Long, 61 tuổi, ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) cùng 5 đứa cháu ngoại côi cút đã yên tâm ngủ ngon trong căn nhà tình thương do chị Dung Vespa vận động nhà hảo tâm tài trợ tiền xây lại trên nền nhà cũ. Ở trong căn nhà mới được hơn 1 năm thì cũng chừng ấy thời gian 6 bà cháu hình thành thói quen đón cô Dung Vespa đến chơi vào mỗi dịp đầu tháng. Bà Long cho biết, tháng nào cô Dung cùng nhà hảo tâm cũng mang gạo, thức ăn và nhiều nhu yếu phẩm đến tặng 6 bà cháu. “Giúp ngặt rồi giúp cả nghèo, cô còn vận động mọi người góp tiền mua tặng bò. Tình cảm cô dành cho những đứa cháu nhỏ côi cút, thiếu thốn tình thương mẹ cha của tôi như tình thân ruột thịt vậy”, bà Long xúc động khi nói ra những lời tri ân tận đáy lòng mình.
Ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), gia đình anh Bùi Công Thành cũng đã xem chị Dung Vespa là cốt nhục tình thâm khi nhận từ chị rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ sau vụ TNGT kinh hoàng làm cả gia đình bị thương xảy ra cách đây 3 năm. Khi đó, nhiều nhà hảo tâm đã hướng tấm lòng mình về gia đình anh nhưng riêng với chị Dung Vespa thì anh có nhiều ấn tượng không thể nào quên được. “Giờ mà nhắm mắt lại, tôi sẽ thấy ngay cảnh chị Dung Vespa đứng tại bệnh viện ở Đà Nẵng khóc rưng rức khi thấy cánh tay con gái tôi dập nát. Đó là lần đầu tiên chị gặp chúng tôi và ngay lập tức chị cho tôi cảm giác chị là “người nhà” của mình”, anh Thành trải lòng.
Tìm gặp, chuyện trò với một số nhà hảo tâm “cứng” của chị Dung Vespa, điều gây ấn tượng nhất là họ chưa từng một lần gặp trực tiếp chị Dung - với họ, dung mạo ấy, cách trò chuyện qua facebook, zalo là họ đã “đủ để mỗi khi chị Dung cần là họ chung tay ngay”. Có gì đó sai sai không? Tôi băn khoăn gặng hỏi và ngay lập tức được nhà hảo tâm Đặng Thị Thu Hằng ở TP Hồ Chí Minh giãi bày: “Bởi vì bản thân tôi đã nhiều năm làm từ thiện nên có kinh nghiệm để nhìn nhận ai có tâm ai không. Mặc dù trong thế giới mạng đang có rất nhiều người đóng vai trò cầu - nối - yêu - thương như chị Dung Vespa nhưng tôi chỉ chọn tin chị. Thực tế sau hai năm trao gởi niềm tin ấy, sau tất cả những gì chị Dung làm, tôi thấy chỉ có tuyên dương chứ không có gì phàn nàn, lăn tăn cả”, nhà hảo tâm nhiều kinh nghiệm làm từ thiện khẳng định chắc nịch.
Quý trọng cái tâm làm từ thiện trong veo của chị Dung Vespa, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Nguyễn Tấn Hiểu coi chị như con gái của mình. Ông thường xuyên theo dõi, khuyến khích và động viên chị trong hoạt động từ thiện. Hàng năm, thông qua tổ chức Hội đã tặng cho chị nhiều tấm bằng tri ân và giấy khen vì thành tích của chị. Ông đánh giá, tuy chị hoạt động với tư cách như một hội viên độc lập nhưng chị được rất nhiều nhà hảo tâm ủng hộ nhờ tình cảm vô tư, chân thật, cách hoạt động minh bạch, rõ ràng, trong sáng và luôn sâu sát, tận tâm, tận tụy với những hoàn cảnh khó khăn, người bệnh nghèo cần giúp đỡ.
“Điểm đặc biệt ở Dung Vespa là tình cảm rất hồn nhiên, thương ai là thương thật lòng, thương trong sáng, không hề dính líu gì đến chuyện mờ ám. Chính những điều đó đã thuyết phục nhà hảo tâm, làm cho họ yên tâm, tin tưởng”, ông Hiểu nhìn nhận.
Cùng với việc uy tín được nâng cao, Dung Vespa hoạt động từ thiện ngày càng nhiều, khắp trong và ngoài tỉnh. Những ngày gió mưa tơi bời ở các tỉnh miền Trung, người ta nhìn thấy Dung Vespa cùng nhiều nhà hảo tâm Bình Định len lỏi vào những khu vực trũng sâu của tỉnh bạn phát cơm, mì tôm, sữa, nước; dân mình bị bão gây thiệt hại, chị quay về, kêu gọi cả ngày lẫn đêm để kịp đến thăm, hỗ trợ. Mới đây chị cùng nhóm Thiện Tâm Bình Định đi khảo sát nhà ba mẹ con mù ở huyện Phù Cát và định ngày thi công xây nhà ở mới cho họ. Người khác nhìn thấy chị lu bu, cực nhọc nhưng chị bảo việc đâu có nhọc nhằn gì, thêm vào đó, chồng, con chị luôn thông cảm, chia sẻ, có khi còn hỗ trợ chị đắc lực. “Thấy, biết người ta khổ, cái tâm tôi không chịu được, vậy là lao vào làm. Nhiều lúc làm xong, nghĩ lại mới rùng mình, thấy mình liều lĩnh, không nghĩ đến thân. Vậy nhưng, khi nghe, biết đâu cần giúp thì lại lao ngay vào…”, chị đã nở nụ cười thật tươi khi chia sẻ vậy.
Bài, ảnh: NGỌC TÚ