Nghiên cứu nguyên nhân gây bồi lấp cửa biển Tam Quan:
Lượng bùn cát bồi tụ chủ yếu có nguồn gốc tại chỗ
TS Võ Ngọc Anh
Từ năm 2012, đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ để khắc phục hiện tượng bồi lấp cửa ra vào các khu neo trú bão của tàu thuyền-áp dụng cho cửa Tam Quan-huyện Hoài Nhơn” đã được thực hiện. Đến nay, bước đầu đã tìm ra các nguyên nhân gây nên hiện tượng bồi lấp tại các luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan Bắc. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn tiến sĩ Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH-CN, quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết kết quả bước đầu của đề tài nghiên cứu giải pháp khắc phục hiện tượng bồi lấp cửa biển Tam Quan?
- Vài năm nay, luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) thường xuyên bị cát bồi lấp nghiêm trọng làm cho nhiều tàu cá của ngư dân bị mắc cạn, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Đề tài nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ để khắc phục hiện tượng bồi lấp cửa ra vào các khu neo trú bão của tàu thuyền-áp dụng cho cửa Tam Quan do Bộ KH-CN hỗ trợ kinh phí và Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện, góp phần tìm ra nguyên nhân để khắc phục triệt để tình trạng này.
Đề tài đã phân tích số liệu 50 năm gần đây về sự biến đổi đường bờ biển khu vực cửa Tam Quan. Trong giai đoạn 1965-2003, bờ biển phía Bắc cửa Tam Quan thay đổi rất ít với mức trung bình của xói lở với tốc độ 0,2 m/năm đến bồi tụ với tốc độ 1,6 m/năm. Tình hình cũng gần như tương tự với bờ biển phía Nam. Chứng tỏ trong nhiều năm liền, đường bờ biển biến đổi không đáng kể, tỉ lệ xói lở không đáng kể. Tuy nhiên, từ khi xây dựng kè mỏ hàn, bờ phía Bắc bị xói lở cục bộ, có nơi lớn nhất là 5,1 m/năm. Bờ phía Nam, bồi tụ với tốc độ lớn, lên đến 6,1 m/năm. Ảnh vệ tinh năm 2010 cho thấy, khu vực phía Nam kè đang bị bồi lấp để hình thành cồn cát ngầm. Diện tích bãi cát ngầm này tương đối lớn, khoảng 132 ngàn m2 và tiếp tục mở rộng về phía Nam. Phía cửa ra vào, nhìn thấy rõ bãi cát ngầm lớn chiếm gần hết diện tích cửa với diện tích hơn 100 ngàn m2, luồng tàu đi lại chỉ còn 33 m. Từ năm 2010-2012, bờ phía Bắc và phía Nam tiếp tục bị bồi tụ và xói lở mạnh hơn.
Như vậy, trong 38 năm (1965-2003), đường bờ biển cửa Tam Quan rất ổn định. Sau khi xây dựng kè phía Nam dài 850 m, trầm tích đưa từ phía Nam lên đã bị ngăn chặn lại, tạo thành một bãi cát, với tốc độ bồi tụ lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng bồi lấp phía Nam kè chắn cửa biển Tam Quan như hiện nay.
* Ông có thể lý giải rõ hơn nguyên nhân gây bồi lấp tại luồng ra vào cửa Tam Quan?
- Kết quả phân tích qua nhiều đợt thí nghiệm bẫy trầm tích, chạy mô hình toán học, khảo sát thực tế cho thấy, bùn cát tích tụ do các nguyên nhân như vận chuyển từ phía Nam, lượng cát từ phía Bắc đưa xuống phía Nam, bùn đưa từ sông ra, bùn cát từ phía biển, rác thải rắn sinh hoạt… không đáng kể. Sau khi loại trừ các nguyên nhân, cho thấy, nguồn bùn cát lấp vào cửa Tam Quan có nguồn gốc tại chỗ. Lượng bùn cát này được tích tụ từ trước và ngay trong thời gian xây dựng tuyến kè phía Nam. Ước tính sơ bộ, khối lượng bùn cát có thể lấp vào luồng, nếu tính ở độ sâu 5m khoảng 540 ngàn m3. Đến nay lượng cát đã nạo vét khoảng hơn 61.000 m3. Khối lượng cát còn lại có thể được khai thác cho các mục đích kinh tế khác.
* Những nhà khoa học thực hiện đề tài đã đưa ra biện pháp khắc phục như thế nào, thưa ông?
- Trước tiên phải tiến hành nạo vét toàn bộ khối lượng cát ở đầu luồng như đã phân tích ở trên. Đồng thời, trong năm nay, đề tài tiếp tục xây dựng các cơ sở khoa học, đưa ra các bản vẽ thiết kế các giải pháp khắc phục bồi lấp, giảm sóng dồn vào luồng tàu bằng cách xây dựng công trình ở vị trí thích hợp.
* Xin cảm ơn ông!
MAI HỒNG (Thực hiện)