Phần mềm thí nghiệm ảo:
Hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy và học
Vừa qua, Sở KH-CN đã phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng các phần mềm hóa học, vật lý, cơ học ứng dụng cho giáo viên các môn hóa, lý, cơ học của các trường THPT, cao đẳng nghề trong tỉnh. Đây là lần đầu tiên, phần mềm thí nghiệm ảo được đưa vào sử dụng hỗ trợ cho việc dạy và học tại các trường nói trên.
Phòng thí nghiệm ảo sẽ giúp sinh viên có điều kiện thực hành nhiều hơn.
- Trong ảnh: Sinh viên khoa Cơ khí - Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn thao tác trên máy mô phỏng. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Phần mềm thí nghiệm ảo là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng phần mềm thí nghiệm vật lý, hóa học bậc trung học phổ thông và trung cấp nghề” do Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chủ trì, PGS-TSKH Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng khoa Xây dựng và Cơ học ứng dụng của trường làm chủ nhiệm. PGS Nguyễn Hoài Sơn cho biết: Ý tưởng xây dựng phòng thí nghiệm ảo cho học sinh đã được chúng tôi ấp ủ hơn 10 năm, sau khi đã xây dựng rất nhiều phần mềm ảo mô phỏng kết cấu công trình phục vụ trong lĩnh vực xây dựng. Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các phòng thí nghiệm ảo, hỗ trợ cho việc dạy và học ở bậc THPT và cao đẳng nghề đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, ở nước ta, việc xây dựng và đưa các phần mềm ảo vào hỗ trợ giảng dạy, nhất là ở các môn đòi hỏi thí nghiệm thực hành như hóa, lý, cơ học chưa nhiều. Phần mềm được thiết kế riêng theo đặt hàng của tỉnh. Các bài thí nghiệm đều dựa trên chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, giúp học sinh, sinh viên thực hành các thí nghiệm để từ đó có thể nắm vững bài học hơn.
Phần mềm được xây dựng bao gồm: các video clip 12 bài thí nghiệm vật lý, 23 bài thí nghiệm hóa học, 6 bài thí nghiệm cơ học ứng dụng mô phỏng các thao tác thực hiện thí nghiệm như trong phòng thí nghiệm thật. Ở mỗi bài thí nghiệm, người sử dụng có thể tự lựa chọn để nhập các thông số cần thiết, sau đó, các bước của thí nghiệm sẽ được thực hiện một cách trực quan và đưa ra kết quả cụ thể.
Theo ông Lê Công Nhường, Phó Giám đốc Sở KH-CN: Đây là giải pháp hiệu quả trong điều kiện rất nhiều trường học đang thiếu cơ sở vật chất để giúp học sinh, sinh viên thực hành các thí nghiệm phục vụ cho môn học. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển giao kết quả của đề tài cho Sở GD-ĐT để triển khai áp dụng tại các trường THPT và cao đẳng nghề trong tỉnh.
HIỀN MAI