Triển lãm ảnh “Khoảnh khắc cuộc sống” lần thứ I- năm 2014:
“Điểm nhấn” cho phong trào nhiếp ảnh
Triển lãm ảnh “Khoảnh khắc cuộc sống” lần thứ I- năm 2014 của nhóm tác giả đang sống và làm việc tại thị xã An Nhơn đã khai mạc ngày 20.1 tại quán cà phê Ngọc Khánh, thị xã An Nhơn. 44 tác phẩm của 5 tác giả, trong đó phần lớn là những “tay máy mới” đã góp thêm một “điểm nhấn” tích cực cho phong trào nhiếp ảnh Bình Định.
Trong 5 tác giả tham gia triển lãm ảnh (gồm Nguyễn Văn Hà, Tô Hồng Phương, Trịnh Đào Em, Dương Thanh Huy, Võ Hoàng Khương), chỉ có anh Nguyễn Văn Hà là hội viên Chi hội nhiếp ảnh Bình Định. Các tác giả còn lại là những người đến với nhiếp ảnh chưa đến 1 năm. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hà cho biết: “Triển lãm ảnh nghệ thuật lần đầu tiên của nhóm nhiếp ảnh thị xã An Nhơn được tổ chức với ý nghĩa xây dựng phong trào, tập hợp những anh chị em yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh để cùng sáng tác những tác phẩm, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của đời sống, những giây phút đáng nhớ của con người, cố gắng làm cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn, phong phú hơn về tinh thần”.
Tại triển lãm, người xem như có được một cái nhìn khá tổng quát về nét đẹp trong lao động tại các làng nghề lâu đời ở An Nhơn như: nghề đúc đồng, làng rèn, nón lá… và một số hoạt động văn hóa của vùng đất Kinh xưa qua phần lớn những tác phẩm của Nguyễn Văn Hà như “Bà mẹ làng nghề”, “Niềm vui với nghề” và “Lối cũ đường về”; “Vũ điệu” của tác giả Tô Hồng Phương. Bên cạnh đó là những góc máy khá lạ và ý tưởng độc đáo qua một số tác phẩm của tác giả trẻ Dương Thanh Huy, Võ Hoàng Khương. Dẫu chỉ là triển lãm đầu tiên và phần lớn các tác giả đều mới chập chững bước vào con đường của nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng góc nhìn, cách xử lý hậu kỳ, ánh sáng qua một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Hà, Dương Thanh Huy đã thể hiện được sự “chắc tay” trong kỹ thuật và cái nhìn tinh tế về nét đẹp cuộc sống. Những tác phẩm của Trịnh Đào Em, Võ Hoàng Khương cũng đã cho thấy sự cố gắng rất lớn của tác giả. Một số tác phẩm của Trịnh Đào Em như “Nghịch sóng biển”, “Chung sức”… tuy theo “mô típ” cũ nhưng vẫn làm cho người xem cảm nhận được chất mộc mạc và khả năng nắm bắt và bấm máy đúng khoảnh khắc của tác giả.
Phát biểu tại triển lãm, ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, cho biết: “44 tác phẩm của 5 tác giả được tuyển chọn tại triển lãm lần này phản ánh sinh động nét văn hóa độc đáo vùng miền, cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên và cả nét đẹp trong lao động. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã phản ánh những nét đẹp trong sản xuất tại các làng nghề truyền thống An Nhơn”.
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Khoảnh khắc cuộc sống” lần thứ I năm 2014 của nhóm tác giả thị xã An Nhơn dẫu chưa thật ấn tượng và vẫn còn một số tác phẩm chỉ là “thấy và chụp”, chưa có tính nghệ thuật cao, nhưng điểm chung ở đây là niềm đam mê, sự yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh của các tay máy. Đó cũng là tín hiệu vui và “cú hích” quan trọng không chỉ cho nhiếp ảnh thị xã An Nhơn mà còn cả tỉnh.
CÔNG TÂM
Thông thường các em ở quê (tôi từng gặp và biết) thường dùng dây cao su (còn gọi là dây thun) với nhiều màu sắc vàng, xanh, đỏ... và kết lại với nhau thành một sợi dây dài để chơi trò nhảy dây này. Với độ đàn hồi của dây cao su vừa giúp các em dễ thực hiện cú nhảy hơn và các em cầm dây cũng tiện, vừa đảm bảo an toàn. Trong ảnh này, tác giả NVH có lẽ nghĩ rằng dây thun "mỏng, nhỏ" quá khó lên ảnh được rõ ràng, nên dùng "cành cây" này cho... đẹp. Có một điều đáng nói rằng: Nhiếp ảnh cần phải "bám" vào hiện thực - thực tế vốn có của cuộc sống để ghi nhận và phản ảnh, nếu ngược lại thì sẽ làm xơ cứng cảm xúc đối với người xem, chẳng hạn như trong tấm ảnh này.
Nếu đúng zậy thì ông thợ ảnh này bậy hết sức!
Chắc không sao bạn 2UOCBAO àh! Vì có tác giả Nguyễn Văn Hà đứng chụp hình sát bên cạnh. Có té thì cũng mang đến với nhau 1 nụ cười thôi!
Đúng vậy, tui đồng ý với 2UOCBAO, trẻ con thôn quê trước đây có chơi trò này nhưng 2 đứa ngồi rồi chồng bàn chân, đến bàn tay để đứa kia nhảy qua, chứ không phải cây sào như trong ảnh. Nếu có cây sào như vậy chắc là cá biệt "sáng tạo" nhứt thời của bọn trẻ thôi.
Không biết có phải là do dàn dựng để chụp hình hay không mà lũ trẻ con này chơi nhảy "cây" này quá dại! Kiểu này mà vấp cái cây là té dập mặt dập mũi ! Trong thể thao thì cũng có kiểu nhảy "cây" này, nhưng mà là cây sào, được gác hờ nhẹ, chỉ cần chạm nhẹ là rớt sào, không gây nguy hiểm. Còn ở đây, cả 2 con bé đều "bịn" quá chặt cây sào. Nếu vấp chân thì ...ôi thôi ...!